Với bao nhiêu tên gọi về vùng đất này Thành phố ngàn hoa, Thành phố sương mù hay còn gọi là Nơi dừng chân của những kẻ mộng mơ... nhưng dù cho có gọi bao cái tên đi chăng nữa, Sapa vẫn là vùng đất kỳ bí trong lòng của mỗi du khách với đam mê tìm kiếm những vùng đất, khám phá những cung đường săn mây hay điều bí ẩn nào khác tại thành phố tình yêu này.
Thuộc địa phận của tỉnh Lào Cai, Sapa tọa lạc trên một sườn núi cao 1.500–1.600 mét trên mực nước biển, nằm giữa hai dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy Con Voi hướng Tây Bắc. Địa hình đặc biệt này giúp Sapa có một lợi thế bốn mùa gặp nhau trong một ngày, sớm mai là mùa xuân, chưa đến là mùa hè, chiều xuống là mùa thu, đêm về là mùa đông.
Đó là chưa kể, mỗi mùa trong năm, Sapa đều khoác lên mình một cảnh sắc rất riêng, nhiệt đới ẩm rất dễ chịu, Sapa được mệnh danh là nơi giao thoa giữa đất và trời. với khung cảnh núi non hùng vĩ, hoang sơ, khí hậu đặc trưng, cùng với nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi. Sapa thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến khám phá, tìm hiểu núi rừng Tây Bắc, hay đơn giản là tìm cho mình một nơi yên lành để nghỉ dưỡng sau những căng thẳng, mệt mỏi.
Sapa là một trong hai vùng hiếm hoi có tuyết rơi vào mùa đông ở Việt Nam. Tuy nhiên không thể xác định chính xác thời gian có tuyết rơi ở Sapa vì còn tùy thuộc vào tình hình thời tiết mỗi năm. Thông thường, tuyết sẽ bắt đầu rơi vào khoảng tháng 12 cho đến hết tháng 1 – đây là thời gian không khí lạnh tràn về mạnh nhất nên tạo điều kiện thuận lợi để tuyết rơi ở Sapa. Mỗi đợt tuyết rơi thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày vào những ngày có không khí lạnh tăng cường.
Đỉnh Fansipan được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” luôn nằm trong top các hoạt động du lịch không thể bỏ qua khi đến Sapa. Thời gian lý tưởng nhất để chinh phục đỉnh Fansipan này là từ tháng 9 đến tháng 4, đây là lúc thời tiết và khí hậu tại đây ổn định nhất, mát mẻ, và ít mưa.
Để tới đỉnh Fansipan mà không mất quá nhiều sức lực, hãy đi cáp treo và tàu leo núi. Buổi sáng bạn xếp hàng mua vé tại ga tàu hỏa leo núi ở đối diện quảng trường thị trấn Sapa, tới đỉnh Fansipan bạn đi theo lộ trình tàu hỏa leo núi rồi cáp treo, sau đó một lượt đi tàu hỏa nữa hoặc đi bộ leo 600 bậc thang. Mỗi lượt tàu kéo dài khoảng 7-9 phút, mỗi lượt cáp treo chừng 30 phút. Những người thích khám phá có thể đi bộ thong thả leo bậc thang, tham quan quần thể tâm linh trên Fansipan có Kim Sơn Bảo Thắng Tự, tháp 11 tầng, tượng đồng Quan Thế Âm Bồ Tát, đại tượng phật A Di Đà bằng đồng lớn nhất Việt Nam…
Lưu ý: Du khách nên đi giày đế thấp, mang theo áo khoác, áo mưa, hoặc ô, để đề phòng tiết trời trên Fansipan lạnh đột ngột và nhiều sương mây.
Đèo Ô Quy Hồ,hay đèo Hoàng Liên Sơn là đèo trên quốc lộ 4D ở vùng giáp ranh hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đèo còn có tên địa phương là Cổng Trời. Tuy nhiên du khách đến Tây Bắc Việt Nam thường biết đến đèo với tên đèo Ô Quy Hồ.Với độ dài hơn 50km, độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, đây là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Bản Tả Phìn nằm cách thị trấn Sapa khoảng 12 km về phía Đông Bắc. Bản Tả Phìn nép mình giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, với con suối hiền hòa uốn quanh. Đêm ngày bao bọc lấy những ngôi nhà ấm cúng của người dân nơi đây.
Nơi đây là địa phận cư trú chủ yếu của đồng bào người Dao, H'Mông. Người dân nơi đây sống hòa mình với thiên nhiên. Họ rất thật thà, hiếu khách và thân thiện, gần gũi.
Nằm ở thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai, đây là chợ của người H’Mông, người Dao được họp vào tối thứ bảy hàng tuần cạnh nhà thờ đá. Nó là một hoạt động kinh tế văn hóa rất độc đáo. Tại đây, mọi người nơi trao đổi mua bán nhiều loại hàng hóa địa phương. Các sản phẩm thổ cẩm, quần áo, khăn, mũ, túi đeo vai, ví tiền, vòng đeo tay đẹp và độc đáo được bày bán khắp nơi. Bên canh đó, chợ thị trấn Sapa là dịp cho bà con vùng cao đi chợ phiên và thanh niên nam nữ các dân tộc hẹn hò gặp gỡ, ca hát giao duyên. Có thể xem đây là một cơ hội để tìm hiểu bạn đời qua khúc hát tỏ tình, qua tiếng sáo, tiếng khèn, đàn môi…
Tham quan chợ phiên thị trấn Sapa để được đắm chìm trong những nét văn hóa dân tộc độc đáo. Không những thế, bạn còn được tha hồ chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm riêng cho mình. Rất tuyệt vời phải không nào.
Món ăn nổi danh nhất nhì Tây Bắc mà du khách nên thử trải nghiệm khi tới Sapa. Thắng cố được thường nấu chung các loại thịt và nội tạng của trâu, bò, lợn… Điểm đặc trưng là thắng cố ngon sẽ cần tới 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, thảo quả, đinh hương… Tất cả những nguyên liệu này sẽ được nấu trong một cái chảo lớn và ninh trên bếp trong nhiều giờ cho nhừ và thấm đều gia vị, tạo ra một hương vị đặc trưng đậm đà, vừa ngọt vừa béo, ăn cùng một chén rượu ngô trong ngày đông giá lạnh là tuyệt vời nhất.
Thịt trâu gác bếp không chỉ là đặc sản Sapa nổi tiếng mà còn được nhiều du khách mua về làm quà tặng bạn bè, người thân. Thịt trâu tươi sau khi tẩm ướp gia vị sẽ được xông bằng khói từ bếp củi cho đến khi lớp thịt bên ngoài khô hẳn và chuyển sang màu nâu đỏ sậm. Đây là đặc sản của đồng bào dân tộc Thái Đen, sở hữu vị mặn mà và hương hăng hắc đặc trưng đến từ nhiều loại gia vị.
Cá hồi Sapa còn được gọi là cá hồi vân hoặc cá hồi ráng, thường sống trong vùng nước đọng có nhiệt độ thấp.
Thịt cá hồi vân màu đỏ cam bắt mắt, từng thớ từng thịt săn chắc xếp đều tăm tắp, béo mềm nhưng không hề ngậy mùi mỡ. Bạn có thể ăn cá hồi vân theo kiểu sashimi (cá sống chấm mù tạt), trộn gỏi, nấu tiêu, nướng mọi… đều ngon. Một trong những món ngon Sapa được lòng du khách nhất - phải nhắc đến - là lẩu cá hồi. Thịt cá hồi tươi roi rói hoà quyện cùng nước dùng chua ngọt, nhúng lẩu cùng với đủ loại rau tươi Tây Bắc.