Nhắc đến thủ đô Seoul là nhắc đến sự pha trộn hài hòa giữa vẻ đẹp hiện đại như tháp Namsan ấn tượng song song với nét đẹp lịch sử của cố cung Gyeongbokgung bề thế uy nghiêm và ngôi làng cổ kính Bukchon Hanok. Có rất nhiều không gian mở ở Seoul để bạn tha hồ đi dạo như công viên Tapgol, núi Dwanaksan và công viên Olympic. Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến cảnh sắc thơ mộng lãng mạn của con suối nhân tạo Cheonggyecheon (Thanh Khê Xuyên) ngay giữa trung tâm thành phố. Quả thật hiếm có thủ đô nào lại có phong cảnh đa dạng trên diện tích khiêm tốn như Seoul. Hãy cùng tìm hiểu vì sao Thanh Khê Xuyên lại được coi là linh hồn thủ đô Seoul nhé!
Suối Cheonggyecheon vốn là 1 nhánh của sông Hàn, dài 5.8km chảy len lỏi qua khu trung tâm thành phố Seoul, Hàn Quốc. Với dòng chảy từ Tây sang Đông bao quanh thủ đô Seoul và đổ về sông Jungnangcheon, dòng suối đi qua rất nhiều địa danh nổi tiếng như Seoul Plaza, Cung điện Changdeokgung, Cung điện Deoksugung, Trung tâm Sejong, Phố Insa-dong, và Cung điện Changgyeonggung, cho phép bạn dễ dàng ghé thăm các địa điểm du lịch lớn sau khi đi dạo thư giãn dọc theo con suối. Sau đó nó hợp lưu cùng sông Hàn để cuối cùng chảy về Hoàng Hải. Dòng suối những thác nước nhỏ, vô số những bậc thang băng qua suối và hơn 20 cây cầu cùng chim chóc, đây giống như trái tim và linh hồn của Seoul, là một địa điểm thư giãn yêu thích của người dân Seoul và được coi là “điều hòa giải nhiệt” cho nhịp sống hối hả.
Trong lịch sử, dòng suối Cheonggyecheon cổ có vai trò như một phần của công tác trị thủy. Vào thời Joseon, suối Cheonggyecheon là nơi thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: thả diều, thả đèn hoa sen, chơi trò đánh trận giả vào những dịp lễ lớn để người dân vui chơi. Sau này suối cạn dần nước đi, và khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, Seoul tái thiết và hiện đại hóa đất nước, Cheonggyecheon dần trở thành một con kênh thoát nước khổng lồ quan trọng của thủ đô hiện đại.
Tuy nhiên, với tư tưởng đẩy mạnh phát triển kinh tế, vào năm 1958 chính quyền thành phố Seoul chủ trương lấp suối lại bằng bê tông để phát triển hạ tầng, sau đó dựng cao tốc trên không Cheonggyecheon vào những năm 1970, một biểu tượng đầy tự hào của người dân Hàn Quốc cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Cho đến tận 47 năm sau, năm 2005 suối Cheonggyecheon đã được phục hồi thành công, trở thành một địa điểm xanh của thành phố Seoul.
Quyết tâm phá bỏ cả đường cao tốc để khơi lại dòng suối, thị trưởng Lee Myung-bak, người khởi xướng dự án cải tạo tham vọng, nhận được nhiều lời tán dương. Kế hoạch phục hồi suối Cheonggyecheon với tổng đầu tư lên đến 900 triệu USD, tạo ra một mạch khổng lồ để bơm hơn 120.000 tấn nước mỗi ngày từ sông Hàn và các nguồn khác đổ vào để hồi sinh Cheonggyecheon, không chỉ là công trình tạ lỗi với môi trường mà còn nhằm tạo dựng một thắng cảnh mới cho người dân bản địa và khách đi tour Hàn Quốc.
Kinh phí khổng lồ đổ vào dự án là minh chứng cho quyết tâm của thị trưởng Lee và cuộc lột xác ngoạn mục biến Seoul trở thành một đô thị hiện đại đặt chất lượng sống lên hàng đầu.
Cheonggyecheon tươi đẹp sau dự án của Lee Myung-bak đã thay thế hình ảnh dòng kênh và con đường cao tốc bê tông cứng nhắc ngày xưa. Đối với người dân Hàn Quốc, dòng suối Cheonggyecheon được xem như là linh hồn của thủ đô bởi nó đã cùng Seoul trải qua biết bao thăng trầm trong quá khứ và giờ đây, nó vẫn tồn tại mạnh mẽ như một nguồn sống vô tận.
Ngày nay, khu vực suối Cheonggyecheon là điểm công cộng để các gia đình đưa con trẻ tới vui chơi, chốn hò hẹn của các cặp tình nhân, nơi nghỉ ngơi của dân văn phòng sau giờ làm việc. Và cũng là nơi diễn ra rất nhiều lễ hội văn hóa, những màn trình diễn nghệ thuật và các cuộc triển lãm rất độc đáo với hàng ngàn nghệ sĩ tham gia. Việc phá bỏ cao tốc khiến cho cho ôtô lưu thông trong thành phố trở nên khó khăn hơn song người đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng lại hưởng nhiều lợi ích.
Dù kế hoạch phục hồi vấp phải rất nhiều chỉ trích của dư luận, quan ngại về môi trường, giao thông, kiến trúc và ảnh hưởng đến hoạt động phiên chợ đồ cũ địa phương vốn nhộn nhịp, song không thể phủ nhận công trình này đã tác động tích cực tới thủ đô Seoul vốn được biết đến với tốc độ hiện đại hóa chóng mặt, sau khi hoàn thành đã giúp mùa hè nắng nóng ở Seoul giảm nhiệt từ 2 đến 3 °C. Cheonggyecheon, như một phần của Seoul, dần được cải thiện qua thời gian.
Nếu bạn có cơ hội đến Seoul vào lễ hội đèn lồng thì đó sẽ là thời điểm hoàn hảo để ngắm suối Cheonggyecheon trong sự tráng lệ nhất của nó. Vào những ngày bình thường, hình ảnh về một dòng suối êm đềm và những thảm cỏ xanh mướt giữa đô thị đông đúc luôn mê hoặc bất cứ ai đến đây.
Từ con phố sầm uất bậc nhất thủ đô Seoul - Sejongro, bạn sẽ chỉ mất vài phút đi bộ sẽ bắt gặp con suối Thanh Khê Xuyên, với cây cối xanh tươi dọc theo suốt chiều dài con suối và có tất cả 22 cây cầu nối liền hai bên bờ trong đó 9 cây cầu được xây dựng lại những cây cầu bắc qua sông vào năm 1970. Suối Thanh Khê Xuyên mở cửa đón khách miễn phí cả ngày. Do đó vào ban ngày bạn hãy tranh thủ đi dọc con suối để ngắm nhìn những công trình kiến trúc khá độc đáo và lạ mắt, tiêu biểu là cây cầu Narae với thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh của con bướm, hoặc là cây cầu Gwanggyo mới lạ tượng trưng cho sự hòa hợp giữa quá khứ và tương lai. Cùng với đó là một số triển lãm nghệ thuật truyền thống. Một điểm thu hút chính gắn liền với tên suối suối Cheonggyecheon là Cheonggye Plaza, có diện tích khoảng 2.500 mét vuông và nằm ở đầu suối. Dòng thác chảy từ Cheonggye Plaza được lắp đèn LED màu xanh lam và cách đó vài mét, ngay bên kia một cây cầu gỗ nhỏ, một bức tường nước tuôn ra từ hư không và hiển thị màn hình cho một màn trình diễn ánh sáng về những câu chuyện tình yêu.
Quảng trường được tạo ra dựa trên thiết kế bojagi truyền thống của Hàn Quốc (một loại vải bọc đầy màu sắc), mang vẻ đẹp thanh lịch của đồ đá truyền thống đầy màu sắc nhưng vẫn tinh tế. Quảng trường cũng bao gồm một mô hình của Cheonggyecheon để bạn có cái nhìn toàn cảnh về loài chim của dòng suối Cheonggyecheon đã được khôi phục trước đây. Tại quảng trường, có những tấm bảng cung cấp những bình luận chi tiết về 22 cây cầu bắc qua dòng suối, cũng như một số đài phun nước duyên dáng làm tăng thêm bầu không khí yên bình. Khu vực này hình thành để kỷ niệm Dự án phục hồi dòng suối Cheonggyecheon, và cũng tượng trưng cho sự tụ họp, hòa hợp, hòa bình và thống nhất. Sau khi hoàn thành quảng trường, Chính quyền thành phố Seoul tuyên bố khu vực này là khu vực cấm xe vào các ngày lễ, cung cấp thêm không gian giải trí cho người đi bộ. Kể từ đó, nhiều điểm hấp dẫn khác của quảng trường đã trở nên phổ biến đối với người dân địa phương và khách du lịch.
Khi màn đêm buông xuống, dòng suối này như được khoác lên mình một chiếc áo mới lung linh, huyền ảo và đẹp hơn rất nhiều. Đặc biệt vào những ngày lễ hội, hai bên bờ rợn ngợp đèn lồng, ánh sáng càng thêm huyền ảo. Sẽ thật tuyệt vời khi trải qua khoảnh khắc có một không hai này cũng người thân yêu trong chuyến hành trình du lịch Hàn Quốc.