Sở hữu địa hình núi cao bao bọc mọi mặt, Tây Nguyên trở thành một trong những cao nguyên có cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.
Trekking là một thuật ngữ bắt nguồn từ ngôn ngữ Afrikaans. Sau thế kỷ 19, cụm từ này trở thành một từ vựng trong từ điển tiếng Anh, với ý nghĩa là một hành trình đi bộ kéo dài đầy gian khó. Còn đối với dân du lịch, trekking được hiểu nôm na là một hình thức hoạt động du lịch mạo hiểm ngoài trời trên chính đôi chân của mình và đây hoàn toàn không phải là hoạt động leo núi.
Cũng giống như trekking, hiking cũng là quá trình đi bộ mạo hiểm ngoài trời. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất có lẽ ở cung đường của 2 loại hình này. Nếu các cung đường của dân trekking trải qua nhiều địa hình khác nhau từ sa mạc, rừng rậm, đồi núi,… phải định vị địa điểm, tự tìm đường đi,… . Hiking chỉ là những hành trình đã nằm sẵn trong hoạch định với những cung đường từng in dấu nhiều bước chân hay đường nhựa và ít nguy hiểm hơn so với loại hình trekking.
Bên cạnh 2 cụm từ kể trên, còn có các thuật ngữ đặc thù khác của dân du lịch như: Camping (các hoạt động cắm trại); Climbing (leo trèo qua các địa hình khác nhau trong hành trình leo núi); Caving (khám phá hang động); Biking; Flying;… .
Hiện nay, đối với dân “xê dịch” trekking là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất và cũng là loại hình đặc biệt được yêu thích vì tính mạo hiểm đầy hấp dẫn. Dưới đây, TransViet Wanderlust sẽ “bật mí” cùng bạn những cung đường dân trekking đặc biệt yêu thích tại Tây Nguyên..
Núi rừng đại ngàn luôn luôn là điểm thu hút đặc biệt đối với dân trekking. Những điểm đến Tour Tây Nguyên nằm ẩn sâu giữa các thung lũng, được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp với bầu không khí huyền bí, kích thích bước chân người khám phá.
Tọa lạc tại xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông – quần thể hang động núi lửa Chư Bluk (hay còn gọi Hang Dơi) nằm ẩn sâu giữa rừng núi đại ngàn. Chính vì thế, Chư Bluk hoàn toàn mang vẻ đẹp hoang sơ và ẩn chứa vô số những bí ẩn cần được khai phá.
Quần thể hang động núi lửa Chư Bluk được chính thức công bố tìm thấy vào cuối năm 2014 với trên 100 hang động lớn nhỏ. Đây là thành quả hợp tác của các nhà khoa học Việt - Nhật sau hơn 7 năm khảo sát, nghiên cứu.
Hiện nay, có đến 6 hang động đã hoàn thành đo đạc và được công bố theo ký hiệu bao gồm: A1, C3, C6, C7, C8, C9. Trong đó, 2 quần thể hang động được dân trekking đặc biệt “rỉ tai” nhau là C8 và C9. Nếu như C8 được “mẹ thiên nhiên” ưu ái điểm tô rực rỡ với những tia nắng vàng ươm, C9 chính là “bản trường ca” hùng vĩ khi sở hữu chiều cao bậc nhất Chư Bluk.
Theo đánh giá của các chuyên gia, độ khó để chinh phục Quần thể hang động núi lửa Chư Bluk là 3.5/5, một mức trung bình cao khá “hấp dẫn” dành cho những tâm hồn đam mê khám phá và chinh phục. Đổi lại, du khách sẽ vỡ òa cảm xúc khi được tận mắt chiêm ngưỡng, được sống với vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.
Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên thuộc tỉnh Đắk Nông, vườn quốc gia Tà Đùng có diện tích hơn 20 nghìn ha. Nơi đây có dãy núi Tà Đùng cao nhất tỉnh và là điểm mấu chốt giao thoa giữa Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, hồ Tà Đùng còn là thượng nguồn của sông Đồng Nai với các dự án thủy điện nơi đây.
Cách trung tâm Tp. Buôn Ma Thuột khoảng 200km, Tà Đùng sở hữu cung đường trekking “đáng giá” đối với dân đam mê xê dịch. Sở hữu diện tích rộng lớn cùng địa hình đồi núi phong phú được hồ nước bao bọc, để chinh phục Tà Đùng dân trekking còn phải vượt qua độ cao gần 2.000m. Vườn quốc gia Tà Đùng còn được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Những thảm thực vật xanh mướt ẩn sâu trong thung lũng, những cây cổ thụ với tuổi đời cả trăm năm, những đồi núi nhấp nhô liên tiếp được hồ nước lớn bao bọc tạo nên viễn cảnh đặc sắc giữa núi rừng.
Nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết, những câu chuyện huyền thoại đã được lưu danh sử sách khiến không khí vùng đất này thêm phần hào hùng, vĩ đại. Để có một Tà Đùng của hôm nay, phần lớn công sức từ người dân tộc Mạ (hay còn gọi Châu Mạ). Một dân tộc mang tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên và quyết tâm đánh đổi cả sinh mệnh để bảo vệ vùng đất mẹ.
Nằm trên địa bàn của 11 xã thuộc 2 huyện Krông Bông và Lắk của tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích của Vườn quốc gia Chư Yang Sin trên 58 nghìn ha. Đặc biệt với núi Chư Yang Sin cao 2.442 mét, đây là đỉnh núi được đánh giá là cao nhất phía cực Nam Trung Bộ và được mệnh danh là “nóc nhà” Tây Nguyên.
Được xếp vào hạng rừng đặc dụng quốc gia, Chư Yang Sin có hệ sinh thái vô cùng phong phú và đa dạng. Nơi đây hoàn toàn còn nguyên vẻ sinh thái hoang sơ, đậm chất kỳ vĩ của núi rừng và là một trong những khu rừng nguyên sinh cổ xưa nhất còn tồn tại ở nước ta.
Để trekking Chư Yang Sin, bạn phải vượt qua đoạn đường dài khoảng 60km từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột. Tiếp đến, bạn phải đi trên một cung đường hẹp dài tầm 20km nhưng không quá khó khăn để đến chân núi Chư Yang Sin, chính thức bước vào hành trình chinh phục độ cao gần 2.500m. Càng lên cao, viễn cảnh núi rừng đại ngàn ngày một rộng mở tầm mắt và Buôn Ma Thuột thu nhỏ cũng dần ẩn hiện.
Thời điểm đẹp nhất khám phá Chư Yang Sin vào khoảng tháng 4 – 5, lúc này các thảm thực vật đang vào mùa rực rỡ nhất trong năm, đồng thời mùa này bươm bươm bắt đầu bung kén tạo nên cảnh sắc ấn tượng, ngây ngất với người thưởng ngoạn.