Kyushu là hòn đảo lớn thứ 3 trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản (Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu) với dân số 15 triệu người, diện tích 42.165 km2, gồm bảy tỉnh: Fukuoka, Kagoshima, Kumamoto, Miyazaki, Nagasaki, Oita và Saga.
Vốn là nơi khởi nguồn của nền văn minh Nhật Bản, Kyushu hiện nay vẫn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý báu. Không chỉ vậy, với vẻ đẹp tự nhiên và khí hậu vô cùng ấm áp do nằm ở phía Nam, lại được bao bọc bởi đa số là biển, Kyushu chính là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong nước và nước ngoài. Những suối nước nóng tuôn trào, những ngọn núi lửa còn đang hoạt động, những bờ biển trong xanh và những rặng san hô tuyệt đẹp cùng với văn hóa ẩm thực phong phú là những “đặc sản” thu hút khách du lịch của Kyushu.
Tỉnh Fukuoka nằm ở phía bắc đảo Kyushu, gồm 27 thành phố và nhiều làng, thị trấn, trong đó có 2 thành phố lớn là Kitakyshu và Fukuoka. Cả hai đều là những đô thị quốc gia của Nhật Bản và là nơi đặt phần lớn nền công nghiệp của đảo Kyushu. Fukuoka là cửa ngõ giao lưu và cũng là trung tâm giao thương giữa Nhật Bản với các quốc gia còn lại của châu Á. Phần lớn thành phố được tái thiết sau Thế chiến 2 nên Fukuoka ngày nay có một diện mạo rất mới, hiện đại và đáng sống. Fukuoka là một điểm khởi đầu tốt cho du khách lần đầu du lịch Nhật Bản. Mặc dù là một thành phố lớn và hiện đại, nhưng không khó để có thể đi lại quanh thành phố. Bạn có thể đến hầu hết các điểm tham quan chính của thành phố bằng tàu điện ngầm. Đây cũng là điểm xuất phát thuận tiện nhất để đến các thành phố khác của đảo Kyushu và Honshu nhờ các tuyến đường sắt, đường bộ và phà.
Trung tâm của thành phố Fukuoka nhìn ra cảng Hakata, bến cảng từ lâu nay đã góp phần tạo điều kiện cho sự thịnh vượng của khu vực thông qua các hoạt động thương mại với các nước khác trong khu vực châu Á. Bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố từ tòa tháp Fukuoka bên bãi biển Momochi-hama. Với độ cao 234m, đây là tòa tháp cao nhất bên bờ biển ở Nhật Bản. Vào lúc chiều tối, khi ngày buông xuống dưới ánh hoàng hôn tráng lệ thì cảnh sắc cũng biến đổi theo từng giây từng phút, ví dụ như những cây đèn của thành phố sáng rực rỡ nổi lên giữa màn đêm tạo ra khung cảnh choáng ngợp. Bạn cũng đừng quên đến Robot square để được nhìn tận mắt, sờ tận tay và giao tiếp với những chú robot thông minh, sản phẩm của nền khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc của Nhật Bản.
Ngoài việc là trung tâm hành chính và kinh tế của tỉnh, thành phố Fukuoka, đây còn là một trung tâm thương mại nhộn nhịp, nơi khởi nguồn của những trào lưu thời trang, văn hóa lan ra khắp nước Nhật. Các trung tâm thương mại sầm uất như Hệ thống cửa hàng miễn thuế JTC hay tổ hợp trung tâm thương mại Canal City, Tenjin Chikagai… có thể khiến cho du khách không ngần ngại nên phung phí túi tiền của mình với vô số mặt hàng nổi tiếng của Nhật Bản như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng, hàng tiêu dùng …
Bên cạnh diện mạo hiện đại đang có, Fukuoka vẫn lưu giữ được những giá trị lịch sử lâu đời. Từ Fukuoka, mất khoảng 30 phút đi tàu là đến được thành cổ Dazaifu được chính quyền cai quản vùng Kyushu xây dựng 1300 năm về trước. Thời xa xưa, nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc trao đổi quan hệ ngoại giao với nước ngoài. Một điểm tham quan cũng không thể bỏ qua là Đền Dazaifu Tenmangu, một trong những ngôi đền cổ kính nhất Nhật Bản. Đây là đền thờ thần đạo nổi tiếng linh thiêng Sugarawa no Michizane, một học giả, một chính trị gia, người được tôn thờ như một vị thần của học vấn và sự uyên bác. Hàng năm có khoảng 2.000.000 du khách đến viếng đền trong ba ngày đầu năm để cầu nguyện những điều tốt lành, cầu cho đường học vấn được suôn sẽ hoặc thành đạt trong sự nghiệp.
Fukuoka còn nổi tiếng bởi hải sản tươi ngon cùng vô số những quán ăn đường phố. Đặc sản ở đây là mì Hakata ramen: sợi mì mỏng, dai trong một bát nước dùng đậm màu nấu từ thịt heo, một ít hành lá thái nhỏ, và vài lát thịt nướng được đặt lên trên. Nhiều du khách sẽ gục ngã ngay bởi vị tuyệt vời của những sợi mì thấm đậm hương vị của nước dùng.
Mỳ ramen xuất hiện ở Nhật vào nửa sau của thế kỷ 19 ở các hải cảng như Yokohama, nơi có nhiều người Trung Quốc đến lập nghiệp. Chính họ đã đưa món mỳ ramen vào Nhật. Nhưng món mỳ ramen chỉ thực sự được nhiều người Nhật ưa thích từ sau thế chiến II, và mỳ ramen lại càng phổ biến hơn nhờ sự xuất hiện của loại mỳ ăn liền đựng trong cốc làm bằng bìa cứng, được tung ra thị trường vào năm 1970. Đối với người Nhật, mỳ ramen gắn liền với lịch sử của đất nước họ, nó là món ăn của người nghèo và của thời buổi khan hiếm. Cũng chính vì vậy mà người Nhật xây dựng rất nhiều các bảo tàng mì ramen tại khắp nơi trên đất nước để trưng bày và giới thiệu các loại mỳ ramen từ truyền thống đến ăn liền với những hương vị khác nhau theo từng vùng miền. Trong đó phải kể đến một số bảo tàng mỳ ramen nổi tiếng nhất là tại Yokohama, Osaka, Fukuoka.
Motsunabe và mizutaki cũng là 2 món đặc sản khác không thể bỏ qua. Motsunabe trước đây được chế biến từ thịt bò được nấu chín trong nước súp với hương vị của nước tương đậu nành và tương miso, rau thường được thêm vào khi món ăn được thưởng thức. Mizutaki là một món lẩu với nước dùng được đun sôi với thịt gà và xương. Khi nước dùng được chuẩn bị xong thì gà, rau hay các nguyên liệu khác sẽ được thêm vào rồi trình bày ra đĩa từ nồi lẩu đang sôi sùng sục.
Xuôi về phía Tây Nam, bạn sẽ tới Saga, tỉnh nhỏ nhất trên đảo Kyushu. Phần phía Tây của tỉnh là vùng nổi tiếng với nghệ thuật làm gốm và sứ, đặc biệt là các thị trấn Karatsu, Imari và Arita. Trong đó Arita được coi là nơi khởi thủy của nghề gốm sứ ở xứ Phù Tang. Người ta nói rằng, vào năm 1616 Ri Sapei, một người làm đồ gốm, đã phát hiện ra một lớp đá được tích tụ lâu năm tại Izumiyama ở Arita ( hiện nay là Arita machi, Saga Prefecture) và đã làm ra các mảnh sứ đầu tiên tại Nhật Bản bằng cách sử dụng nguyên liệu này. Với sự phát hiện loại đá sứ này, sản xuất gốm sứ nhanh chóng phát triển tại Arita. Gốm sứ Arita không chỉ nổi tiếng tại Nhật Bản mà còn rất được ưa chuộng ở Châu Âu. Tại Arita ngày nay, có khoảng 150 lò gốm, trong đó có nhiều lò gốm lâu đời được xếp hạng di tích quốc gia, và rất nhiều trường dạy về nghệ thuật gốm sứ. Tới đây, bạn có thể tận mắt chứng kiến thậm chí tham gia vào quy trình sản xuất gốm sứ, từ nghiền bột đá, nhào bột, nặn hình, nung sứ, vẽ hình, tráng men…
Một điểm tham quan nữa không thể bỏ qua ở Saga chính là ngôi đền Yutoku Inari-jinja, một trong ba ngôi đền thờ thần Inari lớn nhất ở Nhật. Thần Inari là vị thần bảo hộ nông nghiệp, thương nghiệp, lúa gạo, rượu, trà… và cũng là vị thần đại diện cho sự thịnh vượng và thành công. Đây là môt trong những vị thần chính trong Thần Đạo được người Nhật thờ cúng rộng rãi, ước tính có khoảng 32000 ngôi đền thờ thần Inari trên khắp nước Nhật. Hàng năm có khoảng 3.000.000 lượt người đến viếng thăm đền “Yutoku san”. Đền được xây vào thế kỷ thứ 17 với chiếc cổng Torii màu đỏ tươi và gần như toàn bộ kiến trúc được sơn màu đỏ đặc trưng của những ngôi đền Thần Đạo.
Thiên nhiên ban cho vùng Kyushu một khí hậu ôn hòa, với 3 mặt đều là biển và lại nằm ở phía Nam nên tương đối ấm áp so với các vùng khác của Nhật Bản. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp. Ở Nhật, nông nghiệp được chú trọng không kém bất kỳ ngành công nghiệp nào và được đầu tư công nghệ cũng như kiểm soát chất lượng rất gắt gao. Do vậy, nông sản Nhật Bản không chỉ tươi ngon, đẹp mắt mà còn rất giàu dinh dưỡng và cũng không kém phần đắt đỏ nên không phải ai cũng dễ dàng có cơ hội thưởng thức. Tại Saga có tới 70% diện tích là dành cho nông nghiệp và rừng, với rất nhiều những vườn cây quanh năm sai trái. Bạn có thể mua vé vào cửa và sau đó là có thể tự do thu hoạch và thưởng thức hương ngay tại vườn.
Các loại hoa quả thì tùy mỗi vườn khác nhau, nhưng nếu bạn đến đúng vào những thời điểm có thể thưởng thức được trọn vẹn nhất hương vị thơm ngon của trái cây vào đúng mùa chín rộ. Tuy nhiên cũng cần lưu ý liên hệ trước khi đến vì một số vườn không nhận phục vụ nếu không đặt trước, còn nếu bạn đi cùng công ty du lịch thì không cần lo vấn đề này.
Tiếp theo mạch di chuyển về hướng Tây Nam, bạn sẽ tới Nagasaki, nơi đã từng là thành phố cảng lớn nhất của miền nam Nhật Bản và có vai trò hải quân rất quan trọng nhờ hoạt động công nghiệp đa dạng trước khi trở thành mục tiêu hủy hoại của bom nguyên tử. 70 năm sau thảm kịch, Nagasaki đã hồi sinh kỳ diệu, diện mạo hiện đại và phát triển đã thế chỗ cho hình ảnh đổ nát và tang thương năm xưa.
Một số điểm tham quan chính trong thành phố gôm Chùa Sofukuji, còn gọi là Chùa Trung Quốc, Quốc Bảo Giáo hội Công giáo Oura và Dinh Glover có lịch sử hàng trăm năm, Công viên Hòa Bình, công viên Huis Ten Bosch. Công viên Hòa Bình được xây dựng ngay tại nơi quả bom phát nổ để tưởng niệm những nạn nhân vô tội và cầu nguyện cho thảm kịch kinh hoàng không bao giờ lặp lại nữa. Trong công viên còn có rất nhiều tượng đài; nhưng ấn tượng nhất là tượng đài Hòa bình cao 9,7 m được xem như hiện thân cho ước vọng hòa bình của nhân dân Nagasaki cũng như người dân Nhật. Nhà tạc tượng Seibou Kitamura quê ở Nagasaki đã gởi gắm tình nhân ái và từ bi của Đức Phật vào tượng đài này. Tương truyền: tay phải tượng giơ lên cao về phía thiên đường thể hiện ý nguyện hòa bình vĩnh cửu; tay trái giơ ngang bằng để ngăn cản, chấm dứt sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Đôi mắt nhắm hờ cầu nguyện cho những nạn nhân của bom nguyên tử. Hằng năm nhân dân Nagasaki đều tổ chức lễ kỷ niệm vụ đánh bom nguyên tử, tưởng niệm hòa bình tại đây.
Một công viên khác cũng không thể bỏ qua khi tới Nagasaki đó là công viên Huis Ten Bosch. Tên công viên được đặt theo tiếng Hà Lan sau khi một gia đình Hoàng Gia Hà Lan tới đây sinh sống. Nơi đây xây dựng tựa như một thị trấn Hà Lan thu nhỏ với những con kênh đẹp như tranh vẽ, cối xay gió biểu tượng của Hà Lan và những khu vườn hoa tulip vô cùng xinh đẹp.
Thông thường khi đến một nơi được xây dựng mô phỏng, ai cũng nghĩ “chỉ là bản copy thôi mà”, nhưng ở Huis Ten Bosch, bạn sẽ thật sự được cảm giác như mình đúng thật đang ở Hà Lan, một cách đáng kinh ngạc và nể phục. Có lẽ Huis Ten Bosch cũng như tính cách người Nhật không bao giờ thích đồ giả và không thích sự nửa vời. Huis Ten Bosch đã được người Nhật xây dựng, quy hoạch thành một thành phố mà nếu chỉ nhìn qua phim ảnh, chắc chắn bạn sẽ dễ nhầm đó chính là Hà Lan, là châu Âu thu nhỏ.
Huis Ten Bosch được chia thành hai khu vực: Theme Park Zone và Free Zone, là những địa điểm bạn có thể tham quan miến phí hoặc phải trả tiền để được tham quan. Theme Park Zone có các khu nhà bao gồm rất nhiều trò giải trí, nằm ở khu phố cổ Hà Lan như bảo tàng Michael Jackson, nhà ma ám, Ferris Wheel… Các địa điểm miễn phí mà bạn nên đến tham qua là nhà hát, cung điện Huis Ten Bosch và nhà bảo tàng nghệ thuật.
Từ Nagasaki, bạn có thể đi xe khoảng 2 giờ đến Unzen để vừa tham quan vùng cao nguyên vùa tận hưởng cảm giác thoải mái và tuyệt diệu tại các khu nghĩ mát trên bờ biển suối nước nóng. Núi Unzen là một ngọn núi lửa đang hoạt động bao gôm ba đỉnh núi, trong đó Fugendake là đỉnh cao nhất (khoảng 1.360 m). Shimabara là nơi Lâu đài Shimabara đã tùng được dựng lên. Tháp canh của lâu đài sau khi đuợc trùng tu thì giờ là một bảo tàng trung bày các hồ sơ và tài liệu liên quan đến đạo thiên chúa, người cuối cùng dẫn dắt cuộc nỗi dậy đấu tranh chống lại cuộc đàn áp cửa Mạc phủ Shogunate năm 1638.
Ngược lên phía Đông Bắc là Oita với 2 thiên đường suối nước nóng nổi tiếng là Yufuin và Beppu. Các suối nước nóng này tiếng Nhật gọi là tắm onsen, nó có nhiều màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng, hồng khá thú vị, từ lâu đã là một phần không thể thiếu đối với người dân Nhật Bản, tác dụng chính là chữa bệnh. Câu nói truyền miệng của người Kyushu là “tắm một lần da dẻ mịn màng, tắm hai lần bệnh tật tiêu tan”. Nhiều năm qua người dân địa phương đã đưa vào khai thác du lịch, và thành những điểm đến hết sức hấp dẫn. Theo thống kê của Cục xúc tiến du lịch Kyushu, hàng năm có tới hơn 4 triệu lượt khách từ nhiều quốc gia đổ về nghỉ dưỡng và trải nghiệm tắm suối nóng. Nơi đây chỉ đứng sau công viên Yellow Stone của Mỹ về trữ lượng nước khoáng nóng.
Yufuin có một gia tài giàu có từ các bảo tàng, nhà cổ, cửa hàng, các quán café được trang hoàng trên trục phố chính, cũng là nơi trưng bày các tác phẩm dân gian từ cuối thời Edo đến thời Meiji. Đến đây, du khách sẽ được chứng kiến các xưởng nghề truyền thống như xưởng làm giấy Nhật Bản, trải nghiệm tự tay nhuộm vải, làm gốm bàn xoay thủ công và bàn xoay tự động. Một trong những thắng cảnh quyến rũ nơi đây chính là hồ Kinrin. Điểm đặc biệt của hồ Kinrin không chỉ bởi mạch nước ngọt mà có cả suối nước nóng phun ra từ đáy hồ. Do đó, vào những buổi sáng mùa thu và mùa đông khi mà nhiệt độ xuống thấp thì sương mù bao phủ khắp mặt hồ, tạo nên khung cảnh vô cùng huyền hoặc.. Tại đây còn có một vài khu vực tắm khoáng công cộng dành cho khách du lịch và người dân địa phương. Nếu là tín đồ mua sắm, bạn sẽ phải mất hàng giờ tại đây vì không thể rời đi mà chưa có trên tay ít nhất một món quà lưu niệm nhỏ xinh đặc trưng của vùng.
Beppu được mệnh danh là “Thành phố khói” với những suối nước nóng ngày đêm tuôn chảy và những cột khói bốc lên nghi ngút khắp nơi trong thành phố. Ở đây ước tính có khoảng 3000 suối nước nóng với khoảng 9 loại khác nhau, và mỗi ngày có khoảng 36 triệu galon nước nóng phun ra từ mặt đất. Suối nước nóng ở đất nước Nhật Bản đã được biết đến từ xa xưa, tuy nhiên khoảng đầu thế kỉ 20, khi công nghệ đào và xây dựng suối nước nóng phát triển thì du khách mới có cơ hội ghé thăm nơi này nhiều hơn. Nơi này không chỉ thu hút nhiều người dân Nhật Bản tới tắm suối nước nóng, mà còn rất nhiều du khách nước ngoài yêu thích tour du lịch Nhật Bản tại thiên đường suối nước nóng này. Khi bạn ra phố, đi chợ và nhất là những nơi tắm suối nước nóng, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cụ già đến đây để nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Điều này cũng dễ hiểu thôi bởi thành phố này vừa yên tĩnh, vừa có không khí trong lành, đặc biệt là ngâm mình trong suối nước nóng rất có lợi cho sức khỏe, nhất là người già.
Tại Beppu có 8 suối nước nóng độc đáo nhất, được gọi là chung là Jigoku Meguri – Địa ngục. Tuy nước ở đây quá nóng để tắm nhưng vẫn là những điểm tham quan hấp dẫn đối với khách du lịch. Mỗi suối nước nóng ở đây có một tên gọi riêng rất đặc trưng.Trong số đó, suối nước nóng độc đáo nhất được gọi là Umi Jigoku – Địa ngục biển. Umi Jigoku là hồ nước có màu xanh coban, được hình thành do hoạt động của núi lửa Tsurumidake cách đây khoảng 300 năm. Nhiệt độ lên tới 900C, người ta đã làm giảm nhiệt độ của nước hồ đến nhiệt độ thích hợp, tạo thành các khu Ashiyu, giúp du khách tận hưởng được thú vui ngâm chân của trong dòng nước khoáng nóng. Ngay tại lối vào khu tham quan, những chiếc bánh hay trứng luộc đã được làm chín bằng hơi nóng của suối khoáng sẽ là món quà tuyệt vời dành cho du khách. Ngoài ra còn rất nhiều các “địa ngục” khác mà bạn có thể ghé thăm, đó là: Chi no ikejigoku – Địa ngục Huyết Trì, Siraikeijigoku – Địa ngục Bạch Trì, Yamajigoku- Địa ngục núi, Tatsumakijigoku- địa ngục vòi rồng,…