TRANG CHỦ CAMNANG

KYOTO- KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU

Dọc theo những con dốc là san sát những cửa hàng rất đậm chất xưa. Đa phần người dân địa phương dựng kệ gỗ và mấy rổ mây tre để đựng đồ. Hàng bán dựng san sát nhưng rất ngay ngắn, có vẻ không đủ chỗ nên người ta dựng thêm cái mấy chiếc ghế cao thấp khác nhau, rồi xếp đồ ra tận trước cửa. Trong không có cái gì giống cái gì nhưng lại gọn gàng đến lạ. Cũng vì thế mà nhiều khi đi trên đường, mình cứ dán mắt vào những món đồ nhiều màu sắc bên đường, thích thì dừng lại sờ một cái, thích hơn thì tiến vào bên trong, còn không thì lặng lẽ rời đi, rất tự nhiên.

Một quầy bên kia đường bán gốm sứ Nhật. Phía trước cửa nhẩm đếm chắc cũng cả trăm chú mèo với những kích thước, màu sắc và cả trang phục khác nhau. Mèo may mắn ở Nhật thì nổi tiếng cả thế giới rồi, mỗi màu hay mỗi kiểu vẫy tay đều mang một ý nghĩa riêng. Người bán chẳng hỏi han, chẳng chào hỏi gì cả, người mua như cũng cảm thấy không gian yên tĩnh này cũng không quấy rầy. Chụp một vài tấm hình rồi lựa lấy một chú mèo nào thoạt nhìn đã có tình cảm, rồi tiến vào trong tính tiền. 

Đi thêm dăm ba bước, sẽ dễ thích thú với mấy cái túi vải thêu tay. Chắc hẳn những cô nàng mê đồ thủ công như mình sẽ mê tít khi tới đây. Chất gấm cổ xưa vốn chỉ dùng trong hoàng cung giờ đã được phổ biến. Cho dù có bao nhiêu nhãn hàng thế giới vào nước Nhật thì một chiếc túi gấm có đính ngọc thủ công vẫn là một thứ phụ kiện ưa thích của phụ nữ Nhật. Trong cửa hàng này, còn dễ bắt gặp thấy mấy chiếc lược có khắc hình một bông Sakura nở rộ, kế bên lại có vài hũ son với rất ít màu. Hỏi ra mới biết là son thủ công. Son mịn, thơm mùi hương anh đào, mang về để lúc nào bỗng nhớ mùa anh đào lại lôi ra, hít hà một xíu.


Chắc phải kể đến sự nhộn nhịp duy nhất ở những con dốc là các hàng ăn để cảm nhận Kyoto ngoài vẽ đẹp trầm mặc vẫn là những hoạt động sôi nổi của con người. Hai ba ông chú trong đô con lực lưỡng hì hục giã bánh nếp. Vừa giã vừa hét lên mấy tiếng giật hết cả mình. Ai đi ngang cũng tò mò dừng lại xem rồi bị thứ bếp trắng dẻo kia hút mắt. Người bán ở gian hàng này có vẻ năng động hơn. Có lời mời thử, có lời chào hàng khiến không khí tươi vui hơn hẳn. Ăn thử bánh nếp nhân đậu xanh mà trầm trộ cái vị béo bùi của đậu đỏ, cũng trầm trồ về tinh thần của những người thợ làm ra thức bánh này.

Trong suốt đoạn đường tiếp theo là vài quán ăn nhỏ cửa luôn đóng. Phía trước để một bảng menu nhỏ có ghi rõ món gì giá gì. Quả thực, tới một lần cũng không biết nên ghé hay không nên nhưng đã là du lịch là phải trải nghiệm nên mình đánh liều một hơi bước vào. Những quán ăn nhỏ có sẵn đảo bếp để bên trong đầu bếp nấu trực tiếp và khách ngồi quan sát người đầu bếp tạo ra món ngon như thế nào. Đưa máy lên tính bắt lấy khoảnh khắc say sưa nặn sushi của đầu bếp thì mình bị người bạn chặn lại. Ra là mình phải mở lời xin phép được chụp, người Nhật thật sự rất lịch sự !


Đã căng bụng cũng là lúc trời nắng đứng bóng, đích đến cuối cùng cũng đã đặt chân tới được rồi. Ngôi chùa cuối con dốc mà vất vả cả mấy tiếng, thực ra là vì vừa đi vừa chơi mới lâu như thế nhưng Kyoto không vội được đâu. Có lẽ con người càng lớn càng mong muốn tìm lại những thanh tĩnh trong mình nên chùa luôn là điểm đến được ưu tiên trong nhiều hành trình. Có quá nhiều mới lạ lần đầu nhìn thấy khi tới Nhật và trong đó có văn hóa ở trong chùa. Cách viết tên lên tấm thẻ, cách thảy đồng xu để ước, cách cầu nguyện. Chẳng thể lý giải sợi dây liên kết giữa tâm hồn và chốn linh thiêng này hoạt động như thế nào mà từ lúc bước vào trong lí trí đã khẳng định rõ phải thật nhẹ nhàng, phải thật thành tâm và phải thả lỏng mình ra.

Mùa hè thì đứng từ trên cao nhìn thấy cả một Kyoto xinh đẹp xanh ngát. Thi thoảng một cơn gió thổi qua mang lại cảm giác khoan khoái từ mùi hương thơm tho của cỏ cây. Nghe cô bạn bảo vào mùa thu, cả ngôi chùa ngợp trong sắc đỏ của lá đổi màu, thêm ánh nắng buổi hoàng hôn ánh lên những tia vàng óng ánh khiến cả ngôi chùa bừng lên thứ ánh sáng linh thiêng lạ kì. Còn vào mùa đông, Kyoto có phần vắng vẻ hơn. Quán xá cũng lim dìm, chẳng ai vội cả. Hàng bán rau củ muối vẫn từ tốn đặt những củ cải vào lọ ngâm, quầy bánh nếp vẫn là những tiếng vui nhộn của người thợ, và đâu đó vẫn là dăm ba tiếng cười khúc khích của trẻ con.



Người ta đi bộ và đi xe đạp ở Kyoto. Đường Kyoto có quanh co hay có dốc thì không ai càm ràm gì cả. Hẳn vì một thiên nhiên tuyệt đẹp và một văn hóa tuyệt với mà người Kyoto thể hiện qua kiến trúc và con người đã khiến ai tới đây cũng có thể cảm nhận được. Đi du lịch Nhật Bản phải ghé Kyoto và đã ghé Kyoto thì chẳng vội được đâu.