TRANG CHỦ DIEMDEN

Cùng các nước châu Á đón Tết cổ truyền

Tết Âm lịch hay còn được gọi là Tết Nguyên đán (Tết cổ truyền) là một ngày lễ không thể thiếu đối với các nước châu Á. Mỗi quốc gia sẽ có cách đón chào năm mới khác nhau. Song, mục đích chung của ngày này vẫn chính là dịp để các thành viên trong gia đình cùng nhau trở về và tụ họp. 

Tết cổ truyền ở Việt Nam

Đối với người Việt, cho dù đi đâu hay làm gì ở bất kì phương trời nào, cứ đến ngày Tết cổ truyền, người ta cũng sẽ đều hướng về quê cha đất tổ, đốt nén nhang lên bàn thờ tổ tiên và cùng nhau đón chào một năm mới an khang, thịnh vượng.

Người Việt quan niệm rằng, Tết là những ngày đầu tiên của năm mới, cho nên mọi người sẽ dọn dẹp sạch sẽ, trang hoàng nhà cửa và sắm sửa quần áo mới để “lấy hên”.

Tết cổ truyền ở Việt Nam

Dù cuộc sống thường ngày rất bận rộn, song nhiều gia đình vẫn giữ truyền thống gói bánh chưng, bánh tét và làm các món ăn đặc trưng khác. Một số còn kỳ công làm cây nêu và treo lên mái nhà để xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo.

Thời khắc đón giao thừa cũng là một điều rất quan trọng trong lễ Tết của người Việt. Do đó, họ sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng mâm cúng và lễ nghi đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Ngoài ra, một số hoạt động cũng diễn ra vào ngày Tết có thể kể đến như: đi chơi, du xuân, lễ chùa, hái lộc, xông đất đầu năm... Trẻ con cũng được người lớn mừng tuổi những phong bao đỏ với ý nghĩa cầu chúc nhiều điều tốt lành trong năm mới.

Tết cổ truyền ở Trung Quốc

Tết cổ truyền ở xứ Trung là ngày lễ lớn và đặc biệt nhất của năm. Bắt đầu từ ngày 8-12 âm lịch, tất cả người dân Trung Quốc dù ở bất kỳ đâu cũng đều trở về quê ăn Tết và sum họp với gia đình. Họ sẽ quây quần cùng nhau nấu một số món ăn truyền thống để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và các lễ hội mừng Tết Nguyên đán của họ sẽ kéo dài cho đến tận ngày 15-1 Âm lịch.

Cũng giống như Việt Nam, vào dịp năm mới Tết đến, người Trung cũng sẽ dành thời gian để dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Họ thường treo những câu đổi đỏ hay lồng đèn đỏ và đốt pháo nhằm thể hiện mong cầu một năm mới an lành, hạnh phúc.

Tết cổ truyền ở Trung Quốc

Vào những ngày này, người dân xứ Trung sẽ dành thời gian quây quần bên gia đình và cùng nhau nấu những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên. Mỗi năm, theo lịch của người Trung sẽ ứng với một con vật. Vì vậy, vào năm của con vật nào thì họ sẽ không ăn thịt của con vật ấy vào đầu năm.

Những món ăn được người Trung Quốc sử dụng vào ngày Tết đa số đều là các loại bánh. Đặc biệt là món bánh tổ được làm từ gạo nếp loại tốt, đường và một chút gừng tươi. Khi ăn, miếng bánh dẻo cùng một chút vị ngọt và hương thơm của gừng tuy đơn giản nhưng lại vô cùng hấp dẫn.

Tết cổ truyền ở Hong Kong

Tết cổ truyền được tổ chức ở Hong Kong với rất nhiều hoạt động hấp dẫn. Ngày Tết ở đây khá giống với Trung Quốc, bởi cách đón Tết của họ là sự kết hợp giữa truyền thống phương Đông và nét văn minh, hiện đại, tân tiến của phương Tây.

Vào dịp Tết, hoạt động không thể thể ở Hong Kong chính là hội chợ đón mừng năm mới được tổ chức từ ngày 25 đến 30 Tết âm lịch. Lúc này, bạn sẽ có thể dễ dàng bắt gặp các loại hoa thân thuộc như quất, mai, cúc, đào thể hiện cho mong cầu những điều tốt lành và may mắn trong năm mới.

Tết cổ truyền ở Hong Kong

Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Hong Kong cũng sẽ tập trung ở cảng Tsim Sha Tsui để xem các vũ công nghệ thuật trình diễn và những nhân vật Disney nhảy múa trong tiếng nhạc rộn ràng.

Trong ngày mùng 2 Tết, mọi người sẽ rủ nhau cùng đến cảng Victoria để chiêm ngưỡng màn trình diễn pháo hoa kéo dài 20 phút - được coi là một trong những màn bắn pháo hoa kỳ công nhất thế giới.

Tết cổ truyền ở Singapore

Cũng có ngày Tết âm lịch như ở Việt Nam và một số nước châu Á khác, tại Singapore vào những ngày đầu năm của năm mới thường diễn ra Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật là: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao, Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động thú vị khác.

Đặc biệt trong số đó, lễ hội thu hút nhiều người đến tham gia nhất chính là Lễ hội đường phố Chingay thường diễn ra từ ngày thứ bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng.

Tết cổ truyền ở Singapore

Vào ngày Tết ở Singapore, mọi người sẽ ăn bánh Tang yuan (bánh trôi tàu) thể hiện cho sự đoàn tụ, sum họp. Mâm cơm ngày Tết của người Singapore cũng có nhiều món ăn khác như Yusheng (cá sống), Chang Shou mian (mì trường thọ), Pencai (món ăn từ thịt heo, thịt gà, cua, tôm, mực, hàu, sò điệp...).

Tết cổ truyền ở Hàn Quốc

Tết chính là ngày lễ trọng đại nhất trong năm đối với người Hàn, là ngày xua đuổi tà ma, những điều không may mắn và đón chào những điều tốt đẹp. Tương tự như ở Việt Nam, Tết ở Hàn Quốc cũng sẽ kéo dài 3 ngày bắt đầu từ 1-1 âm lịch.

Nghi lễ Charye là một phần không thể thiếu với người Hàn. Vào ngày đầu tiên của năm mới, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau tụ họp và bái lạy trước bàn thờ để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng tổ tiên. Tiếp đó là lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình sẽ bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi hơn và sau đó được nhận tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ.

Tết cổ truyền ở Hàn Quốc

Mâm cơm ngày Tết ở Hàn Quốc cũng được chuẩn bị vô cùng kỳ công với hơn 20 món. Đặc biệt trong đó không thể thiếu ttok-kuk, một loại phở nước được chế từ bò hay gà cùng các món canh bánh gạo. Người Hàn quan niệm rằng, ăn được bao nhiêu bát canh bánh gạo thì sẽ lớn thêm bấy nhiêu tuổi.

Trong 3 ngày Tết, người Hàn sẽ mặc Hanbok và cùng nhau nhảy mùa, ca hát, chơi những trò chơi dân gian để đón chào năm mới.