TRANG CHỦ XUHUONG

Tháp nghiêng pisa – Ngả nghiêng bồng bềnh niềm kiêu hãnh

Nhắc đến “tháp” ở châu Âu, có vô vàn cái tháp từ lịch sử đến hiện đại để chúng ta điểm danh như Tháp Eiffel ở Pháp, tháp đồng hồ Big Ben ở Anh... Nhưng nhắc đến “tháp nghiêng” thì ai cũng biết đến địa điểm nổi tiếng là tháp nghiêng Pisa mà thôi. Từ tai nạn kiến trúc một thời được coi là “đáng xấu hổ”, ngày nay tòa tháp này trở thành địa điểm yêu thích mà ai đến Ý cũng phải qua thăm một lần. Bạn nghĩ rằng mình đã biết hết về tòa tháp độc đáo này như chiều cao, thời điểm xây, tháp bao nhiêu tuổi…? Ấy vậy mà xung quanh tháp nghiêng Pisa còn vô số chuyện thú vị có thể bạn chưa biết, cùng TransViet tìm hiểu thôi nào!


1)Tháp ban đầu được xây chỉ để… thể hiện

Tháp nghiêng Pisa không nằm ở Rome mà nằm ở thành phố Pisa thuộc miền Trung nước Ý. Thế kỷ 12 đánh dấu thời kỳ hoàng kim của Pisa – vương quốc độc lập trước khi nước Ý thống nhất – với tầm quan trọng của quân đội, thương mại và chính trị của thành phố tăng lên khi cảng biển nhỏ bé của họ trở thành một cường quốc trong khu vực. Giống như bất kỳ thành phố Ý thời trung cổ thịnh vượng nào, Pisa bắt đầu đầu tư và thể hiện sự giàu có mới của mình vào các tòa nhà lớn. Chính quyền thành phố cần một nơi để trưng bày tất cả những kho báu mà các nhà thám hiểm đã mang về từ Sicily, vì vậy họ quyết định xây dựng Nhà thờ, nghĩa trang và một tháp chuông tô điểm cho bức tranh thành phố. Tháp chuông đó chính là tháp Pisa.

2) Tháp nghiêng do …quên một chi tiết quan trọng

Cái tên thành phố Pisa, xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vùng đất lầy lội”, nhưng các kiến trúc sư đã quên mất điều quan trọng này. Bằng cách đào một cái móng nông và tương đối nhẹ trên loại đất yếu, không ổn định của đất sét, cát và vỏ sò cùng trầm tích từ các con sông Arno và Serchio; họ đã vô tình làm tháp nghiêng ngay từ đầu. Nhưng chỉ đến khi xây dựng tầng thứ 2, khi thấy tòa tháp bắt đầu lún và nghiêng sang một bên họ mới nhận ra sai sót này. Thật không may, đã quá muộn để quay trở lại sửa chữa. Lúc này các nhà xây dựng đã cố gắng bù đắp sai lầm của họ bằng cách thêm các cột và vòm cao hơn ở phía nam của tòa tháp. Nhưng vào thời điểm xây đến tầng thứ 4 trong tổng số 8 tầng, các vòm ở phía nam nhìn xa trong cao hơn thấy rõ so với phía bắc và tòa tháp vẫn tiếp tục nghiêng. Không chắc chắn phải làm gì tiếp theo, các nhà xây dựng đã dừng thi công trong gần một thế kỷ mà chỉ tập trung vào giữ gìn tháp.

3) Không phải là ngọn tháp duy nhất bị nghiêng tại thành phố Pisa

Cái tên “tháp nghiêng Pisa” nổi tiếng đến mức làm lu mờ những tháp còn lại trong thành phố … cũng bị nghiêng. Do lớp đất mềm của toàn bộ khu vực, tháp nào xây lên tại đây đều bị nghiêng như vậy. Tháp chuông hình bát giác của Nhà thờ Thánh Nicola có lẽ là nổi tiếng nhất sau Tháp nghiêng Pisa chính thức, được xây dựng cùng thời gian với tòa tháp, vào năm 1170. Ngoài ra còn có tháp chuông tại nhà thờ St. Michele dei Scalzi, nằm trên Viale delle Piagge. Trên thực tế, cái tên “Piagge” xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là vùng đồng bằng thấp dễ bị lũ lụt.

4) Tòa tháp nghiêng về nhiều hướng

Nhiều kỹ sư đã cố gắng trong hàng trăm năm để sửa chữa phần nghiêng này nhưng không thành. Khi công cuộc xây dựng bắt đầu lại vào thế kỷ 13, các kỹ sư đã cố gắng ngăn chặn độ nghiêng bằng cách xây dựng thẳng lên, nhưng kết quả là tòa tháp chỉ đơn giản bắt đầu nghiêng hẳn về phía Bắc. Thêm một lần sửa chữa, tòa tháp cuối cùng đã nghiêng về phía Nam và tồn tại đến hôm nay.

5) Điều gì thực sự đã cứu tháp khỏi bị sụp đổ?

Tháp được bắt đầu xây dựng vào năm 1174 nhưng đã không được hoàn thành cho đến khoảng năm 1350. Lý do cho một sự chậm trễ kéo dài như vậy liên quan đến chiến tranh. Thật ngạc nhiên, chính sự chậm trễ liên tục trong xây dựng gần 200 năm có lẽ là một phước lành, bởi lớp đất bên dưới tháp đủ thời gian để nén chặt lại, cuối cùng cứu tháp khỏi sụp đổ mặc cho chiến tranh và động đất.

Nếu tháp được xây dựng gấp gáp và không giữ gìn, chắc hẳn ngày nay tất cả những gì chúng ta được ngắm có thể chỉ là phế tích xây dựng.

6)Bảy chiếc chuông trên tháp chưa một lần được ngân lên

Mỗi chiếc chuông lớn này (lớn nhất nặng gần 4000 tấn) đại diện cho một nốt nhạc cơ bản. Mặc dù bạn vẫn có thể nhìn thấy chúng nếu bạn leo lên đỉnh tháp, chúng vẫn im lặng suốt từ thế kỷ 20. Các nhà phục chế và kỹ sư lo lắng rằng chuyển động rung lắc của chuông sẽ làm cho tòa tháp nghiêng hơn nữa.

7) Vẫn chưa xác định danh tính kiến trúc sư của tòa tháp này

Không ai biết người kiến trúc sư đầu tiên cho tháp nghiêng Pisa là ai mặc cho những cuộc nghiên cứu và tìm kiếm. Bonanno Pisano thường được ghi nhận là kiến trúc sư gốc, nhưng có tài liệu lại cho rằng Gherardo di Gherardo mới là người đầu tiên. Một kiến trúc sư khác của Tháp Pisa là Giovanni di Simone, người đã tiếp quản vào năm 1272 và đã xây dựng các tầng trên. Tháp cuối cùng đã được hoàn thành bởi Tommaso di Andrea Pisano. Tháp được xây dựng theo phong cách La Mã.

8)Tháp nghiêng không chỉ có ở Ý

Vào năm 2009, Tháp nghiêng Surhuusen –  một gác chuông của Đức được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15 –  đã chính thức vượt qua tháp Pisa về độ nghiêng, mở rộng hơn 1,2 độ so với Pisa. Một tòa tháp khác của Đức tại thị trấn Bad Frankenhausen là nhà thờ thế kỷ 14 Oberkirche, và tòa tháp ngắn của Two Towers of Bologna cũng đã vượt qua tháp Pisa với các mức độ 4,8 độ và 4 độ tương ứng.

9)Tòa tháp hiện đang ổn định

Tháp nghiêng Pisa đã trở thành Di sản Thế giới của UNESCO năm 1987. Tòa tháp đã tồn tại qua nhiều thế kỷ sau những cố gắng sai lầm để điều chỉnh nó, và kể từ năm 2001, tòa tháp đã chính thức được tuyên bố ổn định trong ít nhất 200 năm tới. Vào năm 2008, các kỹ sư đã phát hiện ra rằng tòa tháp này chính thức không còn di chuyển. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, tháp đã không dần dần nghiêng về một phía. Trước khi điều chỉnh vào những năm 1990, Tháp đã nghiêng khoảng 10 độ. Ngày nay, Tháp nghiêng ở khoảng 3,99 độ. Nếu không có gì thay đổi, mặt đất sẽ bắt đầu lún vào đầu thế kỷ 23, cho phép độ nghiêng từ từ tiếp tục. Mong rằng trong 200 năm nữa công nghệ ngày càng đột phá để cứu tòa tháp thêm một thời gian dài để luôn là địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Châu Âu.