TRANG CHỦ CAMNANG

CHUÔNG GIÓ FURIN- ÂM THANH XỨ PHÙ TANG

Nếu lỡ mê mẩn những quyển truyện tranh Nhật Bản thì không thể không cảm thấy quen thuộc với hình ảnh những chiếc chuông gió được treo ở cửa sổ hay ngoài hiên chùa. 
Không chỉ đơn giản là một món đồ trang trí, chuông gió Furin còn mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau trong văn hóa Nhật. 

Nguồn gốc của chuông gió Furin

Không phải ai cũng biết rằng chuông gió xuất phát từ Ấn Độ sau đó mới được du nhập vào Trung Quốc nhưng tận thế kỷ 12 mới có mặt ở Nhật dưới thời Edo. Ban đầu, Furin có tên là Futaku nghĩa là chuông treo, dùng trong các ngồi chùa Phật ở Trung Quốc. Tới thời Edo (1630-1867) những chiếc chuông gió đã trở thành Edo-Furin với màu trắng có trang trí họa tiết sơn được bán rong khắp Nhật Bản, từ đó tạo ra phong tục treo Furin.

Tới thế kỷ 18, kỹ thuật đúc thủy tinh của người Hà Lan du nhập vào Nhật giúp người Nhật tạo ra những chiếc chuông gió thủy tinh đầu tiên mang đậm phong cách Nhật mà tận ngày nay, trong những cửa hàng quà tặng vẫn trưng bày rất đa dạng.

Ý nghĩa của chuông gió Furin

Cái tên Furin (風鈴) được ghép từ “Fu” là gió và “rin” là chuông. Giống như ở nhiều quốc gia khác, Furin của Nhật có hình quả cầu tròn, có gắn đầu treo và trung tâm nhưng đặc biệt là ở dưới có treo một tờ giấy nhỏ. Mỗi khi có gió qua, chuông gió phát ra những âm thanh vừa nhẹ nhàng vừa trong trẻo gợi cảm giác an nhiên vô cùng. Người Nhật cho rằng, nơi nào nghe thấy được tiếng chuông gió Furin thì những bất hạnh sẽ không tìm tới. Họ cũng viết những điều ước vào những tờ giấy treo dưới chuông gió để gửi gắm tới thần linh.

Chuông gió xua đuổi tà ma và bệnh tật

Người Nhật cho rằng gió lớn kéo đến sẽ kéo theo dịch bệnh vì vậy để bảo vệ bản thân, người Nhật treo cái chuông đồng Futaku (tiền thân của Furin) ở hiên nhà. Cũng có thể vì ý nghĩa bảo vệ người khỏi quỷ dữ mà chuông gió ngoài được dùng trong các nghi lễ trừ tà thì ở thời Kamakura (1185-1333) giới quý tốc Nhật treo chuông gió để ngăn chặn con quỷ bệnh tât ‘’Yakubyougami’’.

Chuông gió mang lại những điều tốt lành

Tiếng chuông gió hòa trộn với không gian trời đất, cỏ cây như một sợi dây liên kết âm dương, giữa con người và trời đất. Hình ảnh những chiếc chuông gió Furin kèm những mảnh giấy ghi lời chúc là biểu tượng của sự may mắn trên xứ sở Phù Tang này.

Vào mùa hè, chuông gió trước hiên nhà còn được tin rằng sẽ xua đi cái nóng bức và gọi những cơn gió mát lành tới. Cả ở những ngôi nhà có hướng cửa xấu, người ta treo chuông gió như cách hóa lành những điều không hay. Cũng vì vậy mà chuông gió có lời chúc thường là món quà dành tặng gia chủ cho những vị khách.

Ý nghĩa tình yêu mãi mãi

Người yêu nhau luôn có một bản nhạc tình yêu mà dường như chỉ họ cảm nhận được. Chàng trai trao tặng cô gái một chiếc chuông gió như lời hứa sẽ mãi mãi nghe theo tiếng chuông để trở về. Và khi tiếng chuông gió reo lên, cô gái sẽ luôn cảm thấy chàng trai bên cạnh mình.

Có quá nhiều ý nghĩa bên trong hình ảnh chiếc chuông gió bé nhỏ này. Vạn điều an lành đều được tin là sẽ tới mỗi khi chuông gió phát ra thứ âm thanh trong lành. Nếu một lần du lịch Nhật Bản đừng quên chọn cho mình một vài chiếc Furin làm quà tặng nhé.