TRANG CHỦ CAMNANG

ĐỀN TA PROHM VÀ CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THỐNG TRỊ BÍ ẨN CỦA THIÊN NHIÊN

Campuchia được biết đến rộng rãi với Angkor Wat cùng vẻ đẹp bất chấp thời gian của những ngôi đền. Cách đó không xa, Prasat Ta Prohm (Đền Ta Prohm) lại là nơi được chụp ảnh nhiều nhất và thu hút không đếm xuể những nhà thám hiểm từ khắp nơi trên thế giới. Điều mang lại ấn tượng mạnh mẽ cho du khách không chỉ là giá trị của lịch sử trong quá khứ mà còn là hình ảnh rễ cây khổng lồ và quái dị của cây trẩu trơn (tung tree) và cây canh ki na ôm trọn lấy ngôi đền. Ngôi đền này được coi là một biểu tượng quyền lực của thiên nhiên. Những dấu vết của những cây gỗ khổng lồ đi xuyên qua các bức tường hoặc mái của các tòa tháp cổ tạo thành cảnh quan hiếm có. Nếu bạn thích khám phá lịch sử và kiến trúc cổ đại, thì đền Ta Prohm chắc chắn là vùng đất trong mơ bạn nhất định phải ghé đến một lần.

Đền Ta Prohm là một ngôi đền đặc biệt không giống bất cứ ngôi đền nào trên thế giới. Chỉ cần bước qua cánh cổng, ngay lập tức bạn như đang bước vào chiều không gian khác của thế giới huyền bí nơi thiên nhiên làm chủ. Điều khiến ngôi đền nổi bật là những gốc cây khổng lồ uốn lượn trên những bức tường đá đổ nát, những cây cổ thụ cao chót vót với tán cây khổng lồ, và những hành lang sân dài tối tăm thu hút những ai mê khám phá.

Trong khi viên ngọc Angkor Wat là tâm điểm của khu vực, thì ngôi đền Ta Prohm chỉ cách đó vài trăm mét mang một số phận và ẩn chứa trong mình một câu chuyện hoàn toàn khác. Ở đây, rừng rậm đã len lỏi vào hầu khắp mọi nơi trong đền: rễ dày ép chặt các phiến đá vôi, trong khi dây leo bám vào mái ngói. Trong hàng trăm năm, Ta Prohm bị rừng rậm Campuchia nuốt chửng. Cây cối bắt đầu mọc lên từ khe kẽ của các bức tường, mọc xuống từ mái đến và khi chúng lớn hơn, chúng bắt đầu lật đổ những bức tường đá. Những cây cổ thụ này, với bộ rễ cây khổng lồ xâm lấn, là đặc điểm làm tăng thêm vẻ đẹp và bí ẩn của Ta Prohm.

Gần đây, Ta Prohm là trọng tâm của một dự án cải tạo. Giàn giáo, giá đỡ bằng kim loại, lối đi bằng gỗ và hàng rào dây thừng đang được thêm vào để cải tạo và bảo vệ khu vực tuyệt vời này ở Campuchia. Không chỉ giàn giáo và hàng rào sẽ chặn tầm nhìn của bạn mà còn có hàng trăm khách du lịch mỗi ngày đổ xuống các ngôi đền ở Xiêm Riệp, đặc biệt là trong mùa cao điểm từ tháng 11 đến tháng 2.

Không có gì lạ khi nơi đây được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Tomb Raider (Lara Croft: Kẻ cướp lăng mộ) năm 2001: Đó là hình ảnh hoàn hảo về một tàn tích cổ xưa bị rừng nuốt chửng và không thể phủ nhận là một trong những địa điểm mang vẻ hoang tàn ma mị nhất.











Lịch sử đền Ta Prohm

Đền Ta Prohm được xây dựng vào năm 1186 sau Công nguyên trong thời Đế chế Khmer. Vua Jayavarman VII đã cho khởi công với mục đích ban đầu là một tu viện Phật giáo và trường đại học như là một phần của kế hoạch cơ sở hạ tầng cho đế chế.

Ta Prohm lúc bấy giờ được biết đến với cái tên Rajavihara, hay “Tu viện của Nhà vua”, và được xây dựng để tôn vinh gia đình Jayavarman với hình ảnh của Prajnaparamita, nhân vật linh thiêng nhất trong đền thờ, được chạm khắc theo hình dáng giống mẹ của vua. Các phần khác của ngôi đền được dành riêng cho anh em của vua và đạo sư của mình. Ta Prohm được cho là tạo thành một cặp với ngôi đền Preah Khan, một ngôi đền khác được xây dựng vào năm 1191, nơi hình ảnh trong đền được mô phỏng theo cha Jayavarman.

Có một thời gian, nơi này là nhà của 12.500 người - bao gồm 18 linh mục cao cấp và 615 vũ công Apsara - và cung cấp dịch vụ cho hơn 800.000 người sống ở các ngôi làng xung quanh. Tuy nhiên, sau khi đế chế Khmer sụp đổ vào thế kỷ 15, Ta Prohm đã rơi vào tình trạng khốn đốn khi bị bỏ rơi, lãng quên và bị hủy hoại trong hàng trăm năm.















Vinh quang trở lại

Khi Ta Prohm được người Pháp phát hiện ra vào cuối thế kỷ 19, họ cho rằng việc cố gắng tách ngôi đền khỏi khu rừng rậm xung quanh là bất khả thi. Nhận thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của đền và cây cối trong suốt thời gian dài, họ tập trung vào nỗ lực bảo tồn Ta Prohm trong tình trạng đền bị nuốt chửng một nửa bởi cây cối, tái tạo và ổn định một số khu vực chưa bị tác động.

Kết quả là cảnh quan tuyệt vời như chúng ta thấy ngày nay khi vừa có thể hiểu được cấu trúc ban đầu vào thời hoàng kim của nó, vừa chiêm ngưỡng sự ấn tượng của rễ cây và rừng rậm được bảo tồn.

Bên cạnh việc tận hưởng công trình vĩ đại của thiên nhiên, bạn có thể tìm hiểu thêm về lịch sử và nghệ thuật thông qua kiến ​​trúc của các tòa tháp. Ta Prohm không chỉ là một ngôi đền; nó là một mê cung. Ngôi đền có số lượng ô cửa và cửa sổ trông giống nhau nhiều đến mức ngạc nhiên. Một số con hẻm dẫn đến ngõ cụt, bị chặn bởi những đống đá lộn xộn. Mặc dù Ta Prohm bị hư hại một phần bởi cây cối và thời gian, bạn có thể khám phá bí mật ẩn giấu trong bức tường của các tòa tháp hoặc hành lang bằng đá. Điều thú vị về việc khám phá các hành lang là bạn có thể thấy rất nhiều bức phù điêu. Giống như hầu hết các ngôi đền ở Angkor, Ta Prohm cũng có những bức chạm khắc đá trang trí công phu được trưng bày trên các bức tường và cột trụ của nó. Những khuôn mặt Javavarman là điển hình cho tác phẩm điêu khắc khéo léo và được chạm khắc rất ấn tượng. Có một điều không thể giải thích được là rễ cây tránh đi qua những khuôn mặt này. Đây quả thật là một bí ẩn, khi mặc dù có sức mạnh hủy diệt mạnh mẽ, nhưng thiên nhiên có lẽ muốn tôn trọng con người. Bạn cần chú ý khi khám phá hoặc đi bộ xung quanh, nhớ rằng không bao giờ được trèo lên tường hoặc các cây cột vì chúng có thể sụp đổ.















Ta Prohm có 39 tòa tháp lớn nhỏ được liên kết bởi các khu vực trưng bày. Khu bảo tồn được bao quanh bởi năm bức tường hình chữ nhật với phần tường ngoài dài 1km và rộng 600m, đủ để bạn hình dung nơi này rộng lớn đến mức nào. Có bốn cổng vào nhưng chỉ hiện tại bạn chỉ có thể ra vào từ cửa Đông và cửa Tây. Bên cạnh các khu trưng bày, còn có thư viện và các đền thờ vệ tinh. Giống như các ngôi đền Khmer khác, Ta Prohm tự hào có một kiến trúc vĩ đại đồng thời thể hiện sức mạnh của rừng rậm, rất xứng đáng để bạn dành nửa buổi tham quan khi du lịch Campuchia.