TRANG CHỦ CAMNANG

DI HÒA VIÊN – BIỂU TƯỢNG CỦA NGHỆ THUẬT LÂM VIÊN TRUYỀN THỐNG TRUNG QUỐC

Cùng với Vạn Lý Trường Thành, Tử Cấm Thành, thì Di Hòa Viên là điểm đến lý tưởng hàng đầu nếu bạn đang dự định đi du lịch Trung Quốc. Được xây dựng từ thời nhà Thanh, tổng diện tích Di Hòa Viên lên đến 290 hecta, và diện tích khu đất này đã có từ hơn 800 năm trước với nhiều lần xây dựng và thay đổi tên gọi như dưới thời Vua Càn Long năm 1750 đã cho xây dựng Thanh Y Viện tại đây để làm quà tặng cho mẹ của mình là Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu. 138 năm sau đó, Từ Hy Thái Hậu đã cho trùng tu lại Thanh Y Viện và đặt tên thành Di Hòa Viên cho đến ngày hôm nay.

Di Hòa Viênngôi vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa” nằm cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 15km về phía Tây Bắc. Di Hòa Viên là công trình nổi tiếng nhất của nghệ thuật lâm viên (vườn hoàng gia) của Trung Quốc với quy mô rộng lớn nhất nhưng vẫn đạt đến sự tinh tế hoàn hảo về mặt kiến trúc tầng lớp chặt chẽ và tuân theo những quy luật phong thủy nghiêm ngặc nhất. Di Hòa Viên được cấu thành từ hai khu vực chính là núi Vạn Thọ và hồ Côn Minh. Tổng số các kiến trúc trong không gian của Di Hòa Viên gồm 3000 gian và được phân thành ba khu chính: khu hành chính, nơi sinh hoạt, và khu vườn để thể ngoạn.

Khu Đông Môn với cửa chính hướng về phía đông là khu hành chính, sinh hoạt của hoàng gia. Với Điện Nhơn Hòa là trung tâm, nơi mà Từ Hy Thái Hậu và Vua Quang Tự từng thiết triều, tiếp khách, giải quyết các công việc triều chính. Cùng với đó là Lạc Thọ đường, Lan Ngọc đường, và Nghi Vân quán tạo nên “tứ hợp viện”. Lạc Thọ đường và Lan Ngọc đường là nơi ở, sinh hoạt của Từ Hy Thái Hậu, vua Quang Tự, hoàng hậu và phi tần. Riêng Nghi Vân quán là rạp hát của hoàng gia, là một trong ba rạp hát lớn nhất nhà Thanh.

Tiếp đến là khu thưởng ngoạn làm rạng danh kiến trúc lâm viên của Trung Quốc. Như đã nói kiến trúc lớp độc đáo của Di Hòa Viên được bắt đầu từ đỉnh núi Vạn Thọ đổ xuống bạn sẽ gặp Trí Tuệ hải, gác Phật Hương, điện Đức Huy, điện Bài Vân, cửa Bài Vân, cửa Vân Huy Ngọc Vũ dàn trải xuống. Trong đó gác Ngọc hương là một trong những kiến trúc nổi bậc nhất của Di Hòa Viên. Đó là một tòa tháp 3 tầng, cao 41m được xây dựng theo hình bát giác, với 8 cột lớn. Gác Ngọc Hương là nơi để thờ Phật và tổ chức những nghi lễ thờ cúng của hoàng gia. Dưới chân núi bạn sẽ gặp một hành lang dài 728m gọi là Trường Lang với nhiều gian khác nhau, có hơn 8000 bức tranh được vẽ trên các rường cột trải dọc suốt hành lang.

Trường Lang này men theo Hồ Côn Minh – hồ nước có diện tích đến 200 hecta và chiếm ¾ diện tích của Di Hòa Viên. Vào mùa đông thì mặt hồ đóng băng tạo nên khung cảnh huyền ảo, còn mùa hè thì lại mát mẻ, chính vì thế mà Từ Hy Thái Hậu rất thích đến đây vào mùa hè để nghỉ ngơi nên Di Hòa Viên còn có một tên gọi khác là Cung điện mùa hè. Người ta bảo nhìn từ trên cao xuống, hồ Côn Minh trông như một quả đào lớn với cuống là một con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây Môn, phía bắc Di Hòa Viên.

Đặc biệt, ở đây bạn còn nhìn thấy Con đường Tô Châu dọc theo hai bờ con sông. Con đường mua bán được mô phỏng theo đặc trưng sông nước Phương Nam. Vua Càn Long vì muốn mẹ mình vui đã cho đã cho xây dựng con đường này với nhà cửa, quán xá hai bên mang đậm chất Tô Châu, thậm chí còn có người đóng giả thành người dân, chủ các cửa hàng, quan khách, tái hiện lại một khung cảnh mua bán sống động như thật. Họ đều là các thái giám và cung nữ trong cung. Con đường Tô Châu này thật tế đã bị tàn phá, và được trùng tu lại vào năm 1986.

Ngoài ra còn có cầu Thập Nhất Không, đây là cây cầu vòng được làm bằng đá nối giữa hai bờ hồ Côn Minh. Cầu có 17 nhịp, dài 150m, rộng 8m, với hơn 500 tác phẩm điêu khắc sư tử đá có hình dạng, biểu cảm khác nhau trên lan can cầu.

Quynh Anh