TRANG CHỦ CAMNANG

CAO NGUYÊN ĐỒNG VĂN – CUNG ĐƯỜNG ĐẸP HÚT HỒN KHÁCH THẬP PHƯƠNG

 

Nếu bạn là một “chân đi” chính hiệu, thích khám phá những cung đường đẹp nức tiếng, yêu khung cảnh thiên nhiên hoang sơ thì cao nguyên Đồng Văn đích thị là điểm đến dành cho bạn! Cao nguyên đá Đồng Văn – thắng cảnh miền sơn cước ở phá cực Bắc của dải đất chữ S mang dáng vẻ hung vĩ nhưng không kém phần nên thơ, trữ tình, hút hồn khách thập phương dù chỉ một lần ghé thăm.




Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi đá cao trên 1.000 mét trong  đó gồm 4 huyện là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Đồng Văn là một huyện vùng cao, sát biên giới Trung Quốc, cách trung tâm hành chính của tỉnh Hà Giang khoảng 140km. Lũng Cú – điểm cực Bắc của Việt Nam cũng thuộc huyện Đồng Văn. Những người yêu thích khám phá chắc hẳn không xa lạ gì với địa danh “Lũng Cú” – Đồng Văn vì nơi đây được coi là “nóc nhà của Việt Nam” ở cực Bắc Tổ Quốc.  Cao nguyên đá Đồng Văn hấp dẫn khách thập phương bởi vẻ hùng vĩ, tráng lệ, hoang sơ, cả nếp sống của người vùng cao cũng là một yếu tố khiến không ít người tìm đến Đồng Văn.




Nhắc đến những điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Đồng Văn có lẽ phải kể đến thị trấn Phó Bảng, còn được nhiều người gọi là “Thị trấn ngủ quên” hay “Thị trấn bị lãng quên”. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì thị trấn nhỏ này nằm khuất sau những ngọn núi cao chót vót, giữa những vách đá tai mèo lởm chởm và giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Vì đường xá xa xôi, lại hiểm trở hơn những nơi khác nên thị trấn Phó Bảng có phần tách biệt với cuộc sống bộn bề bên ngoài. Dù nằm khiêm tốn ở giữa những dãy núi cheo leo  nhưng giữa lòng thị trấn này lại là một thung lũng hoa hồng xinh xắn, quanh năm tỏa hương thơm ngát. Mỗi ngày, những bông hồng Phó Bảng lại được chuyển về bán tại Hà Giang. Người dân Phó Bảng chủ yếu là người Mông và người Hoa, sinh sống hòa thuận dưới những mái nhà lợp ngói đã ngả màu thời gian. Nhịp sống ở thị trấn khá chậm rãi, chỉ nhộn nhịp hơn mỗi ngày chợ phiên khi người ta mang đủ thứ hang hóa về chợ bán.





Không xa thị trấn mờ sương Phó Bảng là Cột cờ Lũng Cú – cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn). Cột cờ đánh dấu lãnh thổ cực Bắc của dải đất hình chữ S, nằm trên độ cao khoảng 1.500 mét so với mực nước biển, thuộc huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Từ bãi đỗ xe giữa lưng chừng núi, khách du lịch bước qua 286 bậc thang đá để chinh phục cột cờ Lũng Cú – một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.




Từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn xuống, cả một vùng thiên nhiên hùng vĩ trước mắt, những ruộng bậc thang xanh mơn mởn, những nóc nhà cũ kĩ nằm bình yên trên triền núi. Nhìn về phóa tây có hai hồ nước luôn xanh trong và không bao giờ cạn. Tương truyền xa xưa, thuở khai thiên lập địa, nơi đây luôn thiếu nước để cư dân sinh hoạt, rồng thiên động lòng trắc ẩn nên trước khi bay về trời đã để lại đôi mắt cho dân làng, chính là hai hồ nước ngày nay. Những người con đất Việt từng một lần đến với Lũng Cú đều muốn ghi lại những khoảnh khắc tự hào khi được chạm tay vào Cột cờ Lũng Cú và tận mắt ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ đến choáng ngợp nơi đây!



Bất kể ai, trong chuyến du lịch miền Bắc, khám phá miền sơn cước xinh đẹp này đều không nỡ bỏ qua Phố cổ Đồng Văn – điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng. Giống với hầu hết những thị trấn nhỏ vùng Tây Bắc, thị trấn Đồng Văn hay còn gọi là phố cổ Đồng Văn nằm nhỏ bé giữa những bốn bề là những dãy núi đá và thung lũng rộng lớn. Khu phố cổ chỉ vẻn vẹn khoảng hơn 30 nóc nhà đã cũ màu thời gian, nằm yên bình bên vách núi. Trước đây, vào khoảng đầu thế kỉ 20, nơi đây chủ yếu là khu sinh sống của người Hoa, người Mông, người Tày, sau nàY có thêm nhiều người ở những địa phương khác đến sinh sống. Những mái ngói âm dương cũ kĩ ở phố cổ đã có tuổi đời lên đến hàng thế kỉ, mang đậm phong cách kiến trúc của người Hoa xưa. Khách thập phương như bị hút hồn vào không gian văn hóa nơi đây, dưới những mái nhà nằm san sát bên nhau, những gam màu trầm trầm chỉ đợi sắc vàng của buổi sớm và những sắc màu sặc sỡ trong bộ trang phục thổ cẩm của người dân địa phương đánh thức!
Đinh Thúy Ly