TRANG CHỦ CAMNANG

MỘT NGÀY RONG CHƠI Ở THÀNH CỔ EPHESUS – THỔ NHĨ KÌ.

Những câu truyện kì thú về La Mã cổ đại tưởng chừng đã bị chôn vùi dưới lòng đất, giờ chỉ còn lại những mẩu thần thoại về một trong những nền văn minh hưng thịnh nhất thời bấy giờ nay lại được thành cổ Ephesus kể lại, đưa du khách trở lại với thời gian 3000 năm trở về trước.

Những ai từng đi du lịch Thổ Nhĩ Kì đều ít nhất một lần đến thăm thành cổ Ephesus – một điểm du lịch hấp dẫn với bất cứ ai, đặc biệt những người say mê với lịch sử. Vào thời cổ đại, Ephesus là thành phố La Mã lớn, đóng vai trò quan trọng về kinh tế và văn hóa của người La Mã ở Châu Á.


Thành cổ Ephesus nằm ở phía Tây Nam thị trấn Selcuk, huyện Selcuk, tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kì, các trung tâm thị trấn khoảng 3km về phía Tây Nam. Ephesus được người Hy Lạp xây dựng từ thế kỉ thứ 10 trước Công Nguyên trên nơi là thủ đô của vương quốc Arzawa cũ.Đây cũng là thành phố La Mã lớn thứ 2 thế giới thời kì đó về mật độ cư dân sinh sống chỉ sau Rome (Italia, Thủ đô của đế chế La Mã). Toàn bộ khu khảo cổ của thành phố trải dài khoảng hơn 3km với nhiều phế tích như : cung điện, thư viện, quảng trường, sân vận động,…




Ephesus trở nên thịnh vượng sau khi thuộc quyền kiểm soát của đế chế La Mã hung mạnh trong năm 129 trước Công Nguyên. Thành phố này cũng nổi tiếng vì có Đền thờ nữ thần săn bắn Artemis (hoàn thành vào khoảng năm 550 trước Công Nguyên ) – Một trong Bảy kì quan thế giới cổ đại. Đền được xây hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, có chiều dài 115m và chiều rộng 55m. Phía trước đền là cổng có mái che, tiếp đến là hai hàng cột nối dài đến lối vào đền.

Các nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại đã tạo ra những tuyệt tác tranh sinh động về các chiến binh Amazon trên các bức tường, cột đá bên trong đền Artemis khiến ngôi đền trở thành một trong những công trình đẹp nhất ở thế giới cổ đại. Tuy nhiên, đền Artemis đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong cuộc tấn công của những người Goth.




Trước đây, Ephesus là một bến cảng tấp nập, là trung tâm giao thương quan trọng của cả khu vực. Nhưng sau nhiều cuộc tấn công và theo dòng biến động của lịch sử, Ephesus bị bỏ rơi vào thế kỉ 15 và mãi đến năm 1863, các nhà khảo cổ học mới tìm thấy được phế tích Ephesus. Người ta ước tính, mới chỉ khoảng 15% tàn tích của Ephesus được khai quật.

Các di tích này cho ta phần nào cảm nhận được vẻ đẹp huy hoàng nguyên thủy của thành phố, và những cái tên gắn liền với các di tích gợi nhiều liên tưởng về sự tồn tại trước đây của chúng. Những tàn tích còn sót lại cũng ít nhiều mang theo những câu chuyện từ quá khứ.




Trong số những kiến trúc nổi bật ở Ephesus phải kể đến thư viện Celsus – một trong những tòa nhà ấn tượng nhất của đế chế La Mã, được hoàn thành vào khoảng những năm 114-117, được xây dựng để chứa đến 12.000 cuộn sách – là trung tâm tri thức của khu vực. Thư viện được xây dựng để vinh danh Tiberius Julius Celsus Polemaeanus, một thành viên Viện nguyên lão La Mã và quan chấp chính năm 92, ông được xem là người có công đầu trong việc vẽ lại bức tranh toàn cảnh diện mạo nền y học La Mã thời cổ đại, bởi con trai của CelsusGaius Julius Aquila (Quan chấp chính năm 110).Điều đặc biệt là, thư viện cũng chính là lăng mộ của Celsus, ông được chôn cất trong một trong một hầm mộ bên dưới thư viện.




Nhiều nhà khảo cổ cho rằng trận động đất vào năm 262 đã phá hủy hoàn toàn nội thất của thư viện (cũng có những bằng chứng cho thấy rất có thể thư viện bị đốt cháy trong cuộc xâm lăng của người Goth) và mặt tiền thư viện bị sụp đổ bởi một trận động đất khác vào thế kỉ 10 hoặc 11.




Ở không xa thư viện Celsus là nhà hát ngoài trời hình bán nguyệt khổng lồ có sức chứa tới 25.000 người. Mặt tiền nhà hát được trang hoàng lộng lẫy với những hàng cột, hình đắp nổi và các pho tượng được điêu khắc tinh xảo. Nhà hát này thể hiện được phần nào sự phong phú trong đời sống tinh thần cũng như sự phát triển của nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc. Khu vực gần nhà hát là một quảng trường lớn, nơi diễn ra cuộc sống hàng ngày của người dân thành phố Ephesus. Nơi đây thậm chí còn có nhà vệ sinh công cộng và hệ thống nước chảy bên dưới – đây cũng là một nơi để sinh hoạt, trò chuyện của người dân cổ đại.

Ephesus chưa được khai quật hết nhưng thành phố cổ này đã hé lộ nhiều điều về cuộc sống thịnh vượng, sung túc của người La Mã cổ - một trong những nền văn minh phát triển nhất thế giới thời bấy giờ. Còn rất rất nhiều điểm đến thú vị khi ghé thăm khu di tích này, để lắng tai nghe những câu chuyện lịch sử, hứa hẹn sẽ là những trải nghiệm khó quên của bất cứ ai!


Đinh Thúy Ly.