TRANG CHỦ CAMNANG

HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ BRAZIL

Kỳ 1: Câu chuyện ngồi ghế hạng C đến Brazil

Trước tiên, phải kể chuyện đi máy bay, buồn cười ghê gớm. Chẳng là vài tháng trước canh mãi mới mua được giá rẻ của Air France cho hành trình bay Sài Gòn đi Rio De Janeiro qua Paris. Giờ chót thấy con bé 56 tuổi bị đau tay, chàng thương quá, ti toay upgrade cho 2 đứa lên hạng C chặng SGN- PAR. Boarding xong, tí tởn lắm, sắp xếp hành lý xách tay đâu vào đấy rồi, tôi mới ngẩn tò te: thôi chết rồi, thế để chân vào đâu bây giờ?

Nếu ngồi dựa đàng hoàng vào lưng ghế thì chân đung đưa cách sàn máy bay quãng 20cm, mỏi chân lắm. Bấm cho ghế dài ra thì lưng cách dựa ghế 30 cm. Chỉ có một tư thế: phải nằm thẳng đứ đừ thì chân mới gác được vào đúng chỗ. Chẳng là hạng C của Air France chỉ dành cho 2 đối tượng chân dài hoặc chân rất ngắn, chân dở dở ương ương như mình thì biết làm sao đây? Loay hoay hơn tiếng đồng hồ, bèn quyết định quay sang khiếu nại với chàng: "Mặc kệ, bắt đền, sao cậu up tớ lên làm gì, down xuống hạng Y đi". Chàng bèn bảo: "Trả tiền rồi thì phải dùng, không ngồi được thì nằm". Cha mẹ ơi, mới có 10 giờ sáng, bắt nằm cả ngày thì chết con rồi. Thôi chàng tưởng chân mình dài, bỏ tiền up cho lên hạng C, thì phải cố mà ngồi tư thế lắc lư hoặc cùng lắm là nằm 14 tiếng có là bao.

Vừa tự xác định tinh thần xong thì anh tiếp viên đẩy xe đến phục vụ ăn trưa. Có ai mà nằm ăn bao giờ không cơ chứ? Vậy là lại loay hoay, nhưng lần này mình nghiêm chỉnh khiếu nại với anh ta: "Tôi không biết để chân vào đâu cả, làm sao tôi ăn?". Khổ thân cậu ta, đứng đơ người một lúc nghe mình giải thích lý do, sau đó thì cuống lên xin lỗi rối rít. Mình cười lăn lộn, lại loay hoay tiếp, liền tìm ra 1 thế ngồi rất đặc biệt: ngồi kiểu yoga trên nệm. Hi hi, khó chịu thật (vì đau lưng lắm) nhưng còn hơn là ăn ở tư thế nằm. Vậy mà chén sạch tất cả mọi thứ anh chàng tiếp viên đem ra, tài không? Sau khi ăn xong, mình bèn quay sang thỏ thẻ bảo chàng: "Thôi từ nay cậu đừng có up nữa nhé, cứ down cho tớ nhờ (dịch ra tiếng Việt nghĩa là: "Từ nay đừng lên nữa, cứ xuống thôi"). Chàng nghe xong, trợn tròn mắt nhìn mình, có vẻ kinh hãi lắm. Lại được một trận cười lăn lộn. Hóa ra đi máy bay vui thật.

Đến chặng sau cương quyết không up nữa, con bé ngồi ngon lành ở ghế hạng Y, ngủ li bì liền 8 tiếng, tự nhiên đói quá nên tỉnh dậy. Ngoài suất ăn sáng, kiểm điểm lại, mình chén thêm có 2 quả quít, 2 quả táo, nửa quả ổi và 1 quả cam. Tự cảm thấy rất khâm phục bản thân. Xuống khỏi máy bay, cầm cái ba lô của mình lên, chàng ngạc nhiên hỏi: "Sao ba lô bây giờ nhẹ thế?". Mình bèn trả lời: "Cho hết trái cây vào sọt rác tự tiêu hủy rồi". Chàng phải nghĩ một lúc mới hiểu, lè lưỡi kính phục.

Hạ cánh và buổi sáng tại Brazil! Chuyến du lịch Brazil bắt đầu!

 

Kỳ 2: Gửi lời chào tất cả bạn bè từ Rio, Brazil nhé.

Check-in xong, đặt cạch cái vali xuống sàn nhà, tôi hối hả giục chàng: “Nhanh lên, ra biển, ra biển đi”. Chàng nhìn tôi như nhìn đứa trẻ con 56 tuổi rồi cũng đồng ý. Rio De Janeiro - thành phố biển với những rặng bàng nặng trĩu quả, gợi nhớ trong tôi tuổi thơ yên tĩnh, lớn lên dưới gốc bàng của Hà Nội phố. Thấy tôi nhặt vội trái bàng vàng ươm từ dưới đất, bồ bật cười nhắc: "Này, không phải bạ cái gì cũng cho vào mồm đâu nhé". Lạ thật, sao nhiều bàng thế: dãy bàng hiên ngang chạy dọc suốt chiều dài bãi biển. Từng cây bàng xanh ngắt len lỏi khắp phố phường Rio. Tôi đã tưởng chỉ có Hà Nội xưa của tôi mới có nhiều bàng thế, vậy mà...

Biển kìa rồi, nhìn xa xa, bãi cát cứ ánh lên cái màu nửa vàng, nửa hồng, rực lên dưới ánh nắng. Cái màu vàng ươm của cát ở bãi biển Rio: nhìn lâu lại sậm lại rồi chuyển sắc hồng, sao mà đặc biệt. Bãi cát rộng mênh mông, sâu hút tầm mắt và dưới kia là biển biếc xanh. Vỉa hè rộng mênh mông với dãy bàng to cao xòe lá, tỏa bóng mát ôm ấp bước chân người đi bộ. Ngồi xuống một kios nhỏ, tôi nhâm nhi trái dừa tươi, cảm nhận vị ngọt mát lành của trái dừa xứ Brazil – hóa ra cũng y như dừa xứ mình.

Một nơi không thể bỏ qua trong chuyến du lịch Rio là Corcovado Christ Redeemer – Tượng Chúa cứu thế. Hì hụi leo hàng dãy bậc thang, chúng tôi được trả công thật xứng đáng. Tượng đức chúa cao 38m, đứng giang tay kiêu hãnh trên đỉnh núi 710m, làm cho ai nấy cuống lên tìm vị trí đẹp, hy vọng có những tấm ảnh kỷ niệm để đời. Từ đây, mọi phía của thành phố được thu gọn trong tầm mắt. Tôi phải thật cố gắng để giữ cho bản thân khỏi bị tắc thở trước cảnh đẹp trải dài trước tầm mắt. Bây giờ tôi mới hiểu câu tiếng Anh người ta hay nói khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên: breath taking view.

Ngày hôm sau, hai đứa lên taxi nhằm hướng rừng thiên nhiên thẳng tiến.  Tijuca National Park là một trong những khu rừng nằm trong lòng thành phố được bảo tồn lớn nhất trên thế giới. Đây là nơi trú ẩn của hàng trăm loài cây cũng như thú rừng vùng Amazon. Trước thế kỷ 19, toàn bộ rừng bị đốn để trồng café, để rồi vào những năm 1900, con người đã trồng lại toàn bộ hơn 3.200 hecta rừng như ngày hôm nay.   

Rio de Janeiro quả đúng là thành phố của những cuộc vui không bao giờ kết thúc. Trong mấy ngày ở đây, chính bản thân tôi cảm nhận được điều đó một cách rất rõ ràng: sự hào hứng, nguồn năng lượng tràn đầy 24 tiếng mỗi ngày, không ngừng nghỉ. Ở đây, dường như không có giới hạn giữa ngày và đêm, không có khái niệm nghỉ ngơi. Luôn sôi động, luôn ồn ào, lấp đầy mọi giác quan của con người.

Như một sự may mắn tình cờ, chúng tôi đã có chuyến du lịch Brazil vào mùa lễ hội Carnival tháng 3/2014. Rio đang náo nức của không khí chờ đợi lễ hội. Thật tiếc, vì chỉ ở đó 4 ngày, chúng tôi đánh luyến tiếc rời thành phố ngày trước ngày khai mạc Carnival. Thôi cũng được: mất cơ hội này, lại có cơ hội khác. Salvador: nơi chúng tôi sẽ đến, Carnival được tổ chức hàng đêm, kéo dài trong một tuần.

Kỳ 3: Đặt chân tới Salvador

Khi làm thủ tục tại sân bay Rio để đáp chuyến tới Salvador mới nhận ra họ hiện đại hơn mình nhiều: làm thủ tục tự động. Nhìn chàng cầm tờ booking dò dẫm đọc, mình không nhịn được cười. Có ai đã xấp xỉ U50, mà không chịu đeo kính lão không hả trời??? Cứ bảo mua kính đi thì vênh váo bảo không cần, ta đây còn trẻ lắm. Đang lang thang chờ boarding, thấy 2 anh chàng quần jeans áo thun đi cà lơ cà láo, đến gần thì hóa ra là 2 chàng cảnh sát, đẹp trai ra phết. Chụp vội cái ảnh để giới thiệu đồng phục cảnh sát của Brazil.

Cuối cùng cũng đến nơi, phù!

Hạ cánh tại sân bay Salvador, chàng mất hơn 1 tiếng kết hợp ngôn ngữ tả pí lù với múa may tay chân loạn xạ, cuối cùng cũng thuê được xe. Cái chán duy nhất: từ hôm sang đây đến giờ, gặp được mỗi 1 người nói tiếng Anh đủ để mình hiểu. Giờ mới biết có nhiều nơi không cần tiếng Anh vẫn tồn tại được, đâu như xứ nhà ra ngoài ngõ là gặp trung tâm dạy tiếng Anh.

Rời khỏi sân bay về khách sạn, chàng quyết định thuê xế hộp tự lái, nàng hơi lo vì cánh lái xe ở Brazil phóng bạt mạng lắm. Chàng bèn trấn an:" Hễ đã lái được ở Việt Nam thì tớ đây chẳng sợ cầm lái ở bất cứ nơi nào". Thôi cũng được, đường xá chuẩn, hy vọng sẽ Ok.

Trời ơi, có phải tôi đang đi giữa làng cổ Việt nam không: bên vệ đường là hai rặng tre xanh ngan ngát, vút cao, đan thành cái mái rậm rì. Hai đứa cùng thốt lên: đẹp quá. Vậy là dừng xe chụp ảnh. Vào chỗ lấy xe, chộp ngay được một cậu chàng tóc xanh đẹp trai, bèn tán tỉnh một lúc rồi khóac vai chụp ảnh luôn. Vậy là đời tươi rồi, ra ngõ gặp tre xanh, thuê xe gặp chàng tóc xanh - chuyến đi sẽ tràn đầy màu xanh hy vọng. Phóng trên đường. Khiếp quá. Bản chỉ dẫn để tốc độ 40 km/giờ, chàng chạy 70, vậy mà vẫn hít khói của thiên hạ suốt đường đi. Tạm thời chưa thấy bị police hỏi thăm.

Cuối cùng cũng đã đến được khách sạn cách sân bay gần 80 cây số. Check in, lại được tập thể dục động tác tay mỏi nhừ. Tiện thật, đâu cần yoga nữa, cứ nói chuyện bằng tay kiểu này, về đến Việt Nam, tay sẽ to như tay voi cho mà xem.

Kỳ 4: Tham dự Lễ hội Carnival đường phố

Vì khách sạn ở cách trung tâm Salvador khoảng 2 tiếng đi xe, chúng tôi quyết định mua tour trọn gói tham gia Carnival nguyên một đêm, bao gồm xe, ăn tối và đồ uống, nơi đứng có thể quan sát toàn cảnh một cách rõ nhất. Xe khởi hành lúc 3 giờ chiều. Mặt mày ai cũng hớn hở, tí tởn như trẻ con sắp được ăn kẹo. Chắc mặt tôi cũng vậy quá vì thấy lòng dạ cứ lâng lâng, xốn xang như được trở lại với tuổi thơ.

Ngồi lắc lư, định ngủ một chút nhưng trên xe muỗi bay chiu chíu. Sợ muỗi đốt lây bệnh sốt da vàng thì chết, bèn nghĩ ra mưu hiểm, quay sang phân công nhiệm vụ cho anh bồ: "Bây giờ thế này, tờ ngủ để bảo toàn sức khỏe. Cậu canh để đập muỗi cho cả 2 đứa". Thấy chàng gật đầu ngoan ngoãn, mình tưởng bở bèn nhắm tịt mắt dỗ giấc ngủ. Vừa hơi thiu thiu thấy ai đó đập bốp vào đùi, mình nhảy nhỏm lên, nhìn thấy cái mặt đáng ghét đang cười toét. Thôi "gậy bà lại đập lưng bà" rồi.

Gần đến nơi, thấy 2 anh chàng to như hộ pháp, quần áo đen sì nhảy lên xe. Tất cả ngạc nhiên, không biết cái anh chàng bí hiểm đó là ai. Khi hỏi hướng dẫn viên mới biết đó là anh chàng bảo vệ, được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho khách khi xe vào thành phố. Xe đến nơi, cả lũ ngơ ngác xuống, anh chàng to cao áo đen bàn giao việc bảo vệ chúng tôi cho 5-6 anh cảnh sát (mặc quân phục chính hiệu nhé). Vậy là đoàn chúng tôi được một nhóm cách sát tới 6 anh dẫn vào khu vực Carnival. Các chàng chia nhau đi 2 bên, mặt mày nghiêm túc hết cỡ. Vốn nghe mọi người dọa về cái sự không an toàn ở Brazil, tôi thầm thì với chàng: “Chắc họ muốn nâng cao hình ảnh, nên phải giữ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch, ấy là tớ đoán vậy?”.

Người đâu ra mà lắm thế? Mấy con phố dài dằng dặc, đông ơi là đông. Nếu không có mấy anh cảnh sát “áp tải”, chắc chắn đoàn sẽ bị xé lẻ, rồi lạc lung tung cho mà xem. Mà cái lũ ngớ ngẩn như khách du lịch, lại ở xa tới hơn 2 giờ xe chạy thì cũng nguy hiểm. Họ tổ chức vậy thật an toàn và rất hợp lý. Vào đến khu vực dành cho khách mua vé dự Carnival, bảo vệ kiểm tra tứ phía. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm khi được vào đến khu vực của mình.

Chao ơi, cũng đông ra phết. Những quầy nhỏ được dựng hai bên đường, tỏa ra đủ mùi thơm ngào ngạt của đủ các loại đồ ăn. Đói quá rồi, chén đã. Tôi và chàng lượn hết các quầy, mỗi nơi chỉ nhặt một chút – dại gì ăn nhiều 1 món, phải thử được hết các loại chứ. Gần đến mấy quầy cuối, tôi kêu toáng lên: “No quá rồi, không ăn nữa đâu”. Chàng cười khoái chí: “Tớ vẫn còn chén tiếp được, phải thử hết chứ”. Vậy có ức không hả? Nhìn hắn ăn, mình vẫn thèm, nhưng sợ bội thực thì chết. Đã thế, nghỉ một lúc rồi sẽ tính.   

Kỳ 5: Lễ hội Carnival đường phố chính thức bắt đầu!

Khoảng 8 giờ tối, sau khi đã ăn uống no nê và cũng đã ngà hơi bia rượu, thì chợt nghe tiếng reo hò ầm ĩ: Cranival bắt đầu!!! Thế là trèo lấy trèo để lên tầng cao nhất.

Có 22 ban nhạc của Brazil tham gia lễ hội. Các ban nhạc biểu diễn di động trên những cái xe to chạy trên phố. Hai bên đường và trên khán đài dân chúng hò reo, nhảy múa và hát theo nhạc. Dưới đừơng, người đứng đen đặc, chỉ nhìn thấy một biển đầu người nhấp nhô, một rừng cánh tay giơ lên vẫy theo nhịp nhạc. Tất cả cùng hát, tất cả cùng nhảy, tất cả cùng say, men say hào hứng, hừng hực. Theo thông tin thì mỗi đêm chỉ có khoảng hơn 2 triệu người xuống đường tham gia Carnival thôi. Ít nhỉ??? Salvador có 3 triệu dân, họ lấy đâu ra người để mỗi đêm 2 triệu đổ ra đường???

Cái làm tôi ngạc nhiên là sự cuồng nhiệt, hết mình nhưng lại rất trật tự của dân chúng. Cả đàn ông, đàn bà, con trai, con gái uống bia từ 6 giờ tối đến tận 3-4 giờ đêm. Người say cũng nhiều, nhưng không hề có ai quậy phá hoặc gây sự với ai. Ai say sẽ được nhân viên y tế dìu riêng ra một chỗ. Niềm vui tỏa sáng trên từng khuôn mặt, nụ cười, giọng nói. Họ nhảy một cách say sưa, nhảy như chưa bao giờ được nhảy, như là đối với mỗi người, nhảy là điều quan trọng nhất. Vào dịp Carnival này, vài triệu người hòa thành một khối với cùng một niềm vui. Hòa trong dòng người cuồn cuộn, tôi cũng cảm thấy một niềm vui dâng tràn và chỉ muốn nhảy, muốn hát. Thật tiếc là tôi không biết một bài hát nào bằng tiếng Brazil nhưng cũng chẳng sao, chỉ nhảy và nhìn tất cả mọi người hát, cũng đã thấy hào hứng lắm rồi. Thật sự thấy cảm phục khả năng tổ chức của họ, và chạnh lòng khi nghĩ đến các lễ hội được tổ chức ở Việt Nam.

Bọn du lịch nhát gan như mình, nên phải mua vé, thì bị "lên khán đài" mà xem, còn dân ở đây, chắc hầu hết là đi dưới đường. Khu họ nhốt bọn mình vào, được gọi là "All inclusive - nghĩa là bao gồm tất cả". Chả trách họ phát cho cái áo xấu ỉn bắt mặc, rồi bảo vệ đứng thành hai dãy kiểm tra người, lại dán 1 cái vòng giấy vào tay. Sau đó là mời sâm panh, có vẻ là sẽ phải uống thoải mái. Lễ hội mà!

Carnival vui thật và cũng lắm chuyện buồn cười. Mọi người biết không? Cô nào ưng ý ai, cứ việc mà ôm lấy chàng hôn thoải mái. Có một hội gọi là "Những đứa con của Gandhi" - toàn các anh cao to đẹp trai, được các em nhảy ra hôn rất nhiều. Có 1 anh cao phải đến hơn 2m, bế 1 cô bé tí (chắc còn thấp nhỏ hơn mình), hôn nhau say sưa đến 5-10 phút, trong lúc tất cả đám đông vỗ tay cổ vũ. Mình thì cực kỳ ngạc nhiên: vì sao họ hôn lâu thế mà không ngạt thở??? Mải ngắm họ hôn nhau, lúc nhớ ra để bảo anh bồ chụp ảnh, thì chàng ta đặt nàng xuống rồi, thôi mình vỗ tay cổ vũ cùng mọi người vậy. Các chàng trai thì thiệt thòi hơn một chút: muốn hôn em nào phải hỏi trước, và thử thái độ rồi mới dấn vào. Mình cũng chứng kiến một em đứng trước mặt, từ chối mấy chàng định xấn vào hôn. 

Kỳ 6: Thám hiểm Amazon           

Rời Salvador lúc 6 giờ sáng nay, sau một đêm chập chờn, vừa ngủ vừa chiến đấu với mấy chú muỗi trong phòng khách sạn. Cuối cùng, kẻ chiến thắng là mấy con muỗi bé xíu, chẳng diệt được con nào mà bị nó đốt cho mấy nốt vào "hai má lọ lem vì nắng biển".

Vật vã, gật gù trên hai chuyến bay, cuối cùng cũng đến được Manaus, thành phố lớn nhất của vùng Amazon. Internet thì chập chờn, định post mấy cái ảnh mà sao không được. Tức quá, bèn khiếu nại với nhân viên IT "của nhà trồng được", tức là bồ già. Chàng phán một câu xanh rì: "Tớ vừa load được bao nhiêu ảnh lên One Drive, chắc tại cậu không biết làm". Tức thế chứ lị: rõ ràng là mọi khi cũng làm thế, ảnh hiện lên ngay, hôm nay nó dở chứng (hay mình dở chứng không biết?). Bèn sờ lên đầu, thấy vẫn mát mẻ, nghĩa là mình không bị ấm đầu như chàng nghĩ. Thế là ổn rồi. Nhưng mà sao thế nhỉ? Post bài viết thì được, mà ảnh thì không được. Có ai biết tại sao không hả trời? Đời mà có kiếp sau, dứt khoát tớ đi học IT cho thiên hạ biết tay.

Tí nữa bắt đầu vào rừng rồi và trong rừng Amazon thì chỉ có thổ dân sống cùng thú dữ cũng như thú hiền, chứ không có internet.  Như vậy, kính thưa các quý vị khán thính giả yêu thích thông tin thời sự online từ Brazil: vì lý do kỹ thuật, các mẩu tin và ảnh sẽ bị ngắt quãng trong 3 ngày tới.

Bạn bè ơi, tớ đi vào rừng đây. Nếu đến hết ngày thứ hai, không thấy tớ lên tiếng, thì có khả năng tớ bị một anh thổ dân nào bắt mất rồi. Biết đâu sau mấy năm, lại thấy tớ xuất hiện, lông lá mọc đầy người, đang nhảy múa cùng một đàn khỉ thì vui lắm nhỉ? Nếu là khỉ, ít nhất tớ sẽ thành con khỉ thông minh nhất, đặc biệt là về công nghệ, vì chắc lúc đó thì cũng chỉ có con khỉ tên là BH biết lên FB. Tớ sẽ mở trường dạy cho thú rừng Amazon sử dụng máy tính và vào FB. Hi hi.

Kỳ 7: Con người Brazil mãi trong tim tôi!

Brazil - chỉ còn đêm nay, mai ta sẽ chia tay. Lòng nhớ nhung mà chẳng dám hẹn ngày gặp lại. Tôi sẽ không thể quên vẻ đẹp ở đây với bức tượng Chúa dang tay trên đỉnh núi, nhà thờ Metroplitan hình trụ hiện đại và phóng khoáng. Tôi nhớ mãi món ăn quốc hồn quốc túy của Brazil: thịt heo hầm đậu đen, ăn vừa bùi vừa béo. Hình ảnh Rio - với vịnh Blue Lagoon xanh ngắt, lần đầu tiên cho tôi cảm giác được là nàng tiên cá, chơi đùa nô giỡn thỏa thích cùng đồng loại trên mặt nước biển xanh.

Ngày mai xa rồi, tôi biết sẽ không có ngày gặp lại. Nhưng còn mãi trong tôi, với hình ảnh những cô gái da nâu bóng, tóc xõa ngang lưng, kiêu hãnh, bikini 2 mảnh dạo khắp thành phố khoe bộ ngực cùng vòng mông nở nang và eo lưng nhỏ xíu.

Đẹp thật và còn đẹp hơn nữa, cách sống của họ. Người Brazil luôn ồn ào, sôi nổi, tự tin và lạc quan, bất kể giàu nghèo. Tôi đã nhìn thấy những người vô gia cư, lang thang ngoài đường với vẻ mặt mặt vui tươi, nằm vệ đường tán chuyện một cách hào hứng. Khi bạn cần hỏi điều gì, bất cứ ai cũng sẽ rất nhiệt tình hướng dẫn. Nếu người bạn hỏi không biết, họ sẽ gọi ngay những người khác đến giúp và chỉ vài phút sau, đã có một đám đông vây lấy bạn, thi nhau nói, thi nhau giúp đỡ. Có lẽ vì vậy, người Brazil không thấy có nhu cầu học tiếng Anh. Thật hiếm hoi để tìm được một người địa phương nói tiếng Anh, nhưng họ sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian để giải thích cho bạn bất cứ điều gì và nghĩ là bạn hiểu. Khi ăn tối, bồ gọi cho tôi cốc trà xanh (green tea). Cậu bé phục vụ gật đầu lia lịa, nói líu lô một lúc. Đế chắc ăn, chàng nhắc lại: green tea. Cậu bé lại gật đầu, líu lô một lúc nữa rồi lễ phép quay đi. Vài phút sau, cậu ta đem tới một đĩa sushi cùng với gừng muối. Chàng liền phải dùng Bing từ điển để dịch, chỉ ra cho cu cậu, thì tôi mới có trà để uống. Hi hi. Thấy cốc trà sao mà ngon thế.

Ở đây, đâu cũng thấy một không khí sôi động, tràn trề sức sống, vui thật là vui. Tiếp xúc với những con người ở đây, sao thấy cuộc đời đơn giản nhưng tràn đầy nhựa sống. Phải rồi, cuộc sống của tổ tiên ta xa xưa vốn thật đơn giản, chính chúng ta làm cho nó trở nên phức tạp đấy chứ. Tôi yêu biết bao con người của cái xứ sôi động này. Họ chân thành, sôi nổi, tốt bụng. Tôi tiếp xúc với những con người hàng ngày kiếm sống bằng các nghề đơn giản: vệ sinh, bảo vệ, bán hàng rong hoặc thức ăn tại các kios. Họ niềm nở nhưng đàng hoàng, và rất rất tự trọng. Không đâu có cảnh co kéo du khách, hoặc năn nỉ ỉ ôi để khách phải mua hàng. Tuyệt nhiên không thấy ăn xin, cũng chẳng có trẻ em chạy theo "xin lòng thương hại" của du khách. Lại thấy thót lòng khi nghĩ đến các điểm du lịch của Việt Nam. Bao giờ cho đến lúc người Việt Nam tự trọng hơn?? Chợt nghĩ: "Chỉ có người hèn chứ không có nghề nào hèn cả". Và nếu người đã không hèn, thì đất nước cất cánh nhanh hơn.

Chuyến du lịch Brazil, còn mãi trong tôi là tấm lòng hiếu khách, sự chân tình sôi nổi của người dân nơi đây. Tôi không thể nào quên, và không muốn chia tay.

Trần Bích Hà